CNBC dẫn lời ông Peter Cardillo, Kinh tế trưởng tại công ty chứng khoán Spartan Capital Securities nhận định: “Tôi nghĩ nhà đầu tư đang bán trước khi nhóm công nghệ công bố lợi nhuận. Nếu kết quả kinh doanh gây thất vọng, nhóm công nghệ có thể dẫn đầu đà lao dốc của thị trường. Tuy nhiên nhìn chung thị trường gần đây khá vững vàng”.
Phố Wall đi xuống, cổ phiếu các hãng công nghệ tên tuổi sụt sâu
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số Dow Jones giảm 32,23 điểm, tương đương 0,13%, xuống 24.101,55 điểm, chấm dứt chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp.
Cùng chiều, chỉ số S&P 500 giảm 15,09 điểm, tương đương 0,52%, xuống 2.863,39 điểm. Nasdaq giảm 122,43 điểm, tương đương 1,4%, xuống 8.607,73 điểm.
Cổ phiếu Alphabet rớt 3% trước khi công bố báo cáo lợi nhuận mới nhất, dự kiến sau khi khép phiên ngày thứ Ba. Cổ phiếu Facebook giảm 2,5%, còn cổ phiếu Amazon lùi 2,6%. Cổ phiếu Netflix sụt 4,2%, trong khi cổ phiếu Apple mất 1,6%.
Các cổ phiếu sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ việc tái mở cửa kinh tế đã dẫn đầu đà tăng của thị trường trong ngày thứ Hai (27/04) và tăng lần nữa vào ngày thứ Ba. Cổ phiếu Simon Property Group và Kohl’s lần lượt vọt 10,7% và 6,7%, sau khi tăng mạnh trong ngày thứ Hai. Nhóm cổ phiếu ngân hàng như Citigroup và JPMorgan cũng đều tiến hơn 0,7%.
Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 28/4 là 12,31 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 11,31 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch trước đó.
Dầu thô WTI lao tiếp đà đi xuống, dầu Brent tăng trở lại
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6 trên sàn Nymex lùi 44 xu (tương đương 3,4%) xuống 12.34 USD/thùng sau khi tích tắc dao động ở mức cao là 13,69 USD/thùng. Hợp đồng này đã dao động ở mức thấp 10,07 USD/thùng trước khi có thông tin về vụ nổ tàu chở dầu ở thành phố Afrin phía Bắc Syria đã làm ít nhất 10 người thiệt mạng,
Trong khi đó, hợp đồng dầu Brent giao tháng 6 trên sàn Luân Đôn tiến 47 xu (tương đương gần 2,4%) lên 20,46 USD/thùng.
Thị trường năng lượng được hỗ trợ nhờ kỳ vọng lực cầu phục hồi sau khi chính quyền một số khu vực trên thế giới thông báo nới lỏng các lệnh phong tỏa ứng phó Covid-19. Ít nhất 16 bang ở Mỹ sắp mở cửa trở lại. Anh cho rằng nới lỏng phong tỏa là quá nguy hiểm và lo ngại đợt bùng phát dịch thứ hai.
“Sự tàn phá lực cầu đã giảm bớt ở Mỹ còn việc giảm sản lượng mới chỉ bắt đầu“, theo Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group.
Giavang.net tổng hợp