Thị trường năng lượng chưa bao giờ ghi nhận một ngày tồi tệ đến thế khi mà vào cuối phiên, khi hợp đồng dầu đáo hạn, chẳng một ai muốn có dầu…
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 trên sàn Nymex “bốc hơi” 55,90 USD (tương đương 306%) còn -37,63 USD/thùng. Hợp đồng này đã hết hạn vào cuối phiên ngày thứ Hai.
Đây là phiên giảm mạnh kỷ lục kể từ khi bắt đầu ghi nhận số liệu vào năm 1983, và hợp đồng này cũng ghi nhận mức đóng cửa thấp kỷ lục, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Hợp đồng dầu WTI giao tháng 6 rớt 4,60 USD (tương đương 18,3%) xuống 20,03 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 6 trên sàn Luân Đôn mất 2,51 USD (tương đương 8,94%) còn 25,57 USD/thùng. Dầu Brent được vận chuyển bằng đường biển nhiều hơn dầu WTI, vốn thường được vận chuyển thông qua đường ống dẫn, có phần ít bị hạn chế bởi những lo ngại về dự trữ ngay lập tức.
Chênh lệch giá giữa dầu WTI giao tháng 5 và tháng 6 đang cao nhất lịch sử, theo Jeff Kilburg, nhà phân tích tại KKM Financial. “Đây là hiệu ứng do hợp đồng giao tháng 5 sắp đáo hạn giữa lúc nhu cầu năng lượng lao dốc”.
“Còn rất nhiều dầu thô lưu trữ trên biển vào lúc này nhưng các cơ sở lọc dầu lại không có nhu cầu”, Helima Croft, giám đốc chiến lược hàng hóa tại RBC Capital, nói. “Chúng tôi không thấy thị trường dầu có thể phục hồi trong ngắn hạn…”.
Đại dịch Covid-19 đã giáng đòn mạnh vào hoạt động kinh tế thế giới, đẩy nhu cầu năng lượng đi xuống. OPEC+ đạt thỏa thuận giảm sản lượng tới 9,7 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 5. Giới phân tích cho rằng con số này là chưa đủ để bắt kịp lực cầu.
“Vấn đề là OPEC+ cắt giảm sản lượng không diễn ra kịp thời để cứu thị trường dầu. Đây có thể là đợt giao dầu tồi tệ nhất lịch sử. Không ai muốn mua hoặc có nhu cầu sử dụng dầu lúc này”, Phil Flynn, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Price Futures Group, Chicago, bang Illinois, nhận định.
Giavang.net tổng hợp