Ngày càng gia tăng số quốc gia có khả năng vỡ nợ trong vòng 12 đến 18 tháng tới, trong bối cảnh các chính phủ trên toàn cầu tăng chi tiêu để giảm nhẹ thiệt hại kinh tế từ đại dịch Covid-19, một nhà kinh tế cho biết hôm thứ Tư.
“Tôi cho rằng sẽ có một số vấn đề phát sinh trong thời gian tới, có thể chúng ta sẽ được chứng kiến cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro quay trở lại, với các quốc gia như Hy Lạp hoặc Ý… có khả năng là trung tâm của khủng hoảng”, Simon Baptist, chuyên gia kinh tế về các vấn đề toàn cầu tại Economist Intelligence Unit, nói.
“Với các thị trường mới nổi, tôi cho rằng các quốc gia như Nam Phi và Brazil có khả năng nhiều hơn sẽ phải chịu một cuộc khủng hoảng như là hệ quả của các vấn đề hiện nay”, ông nói thêm. “Và tất nhiên, trên thực tế Argentina đã đối diện với vấn đề trả nợ”.
Covid-19, bệnh dịch gây lây nhiễm tới hơn 2 triệu người trên thế giới, đã khiến các chính phủ phải có những hành động chưa từng có như phong tỏa toàn bộ các quốc gia hoặc thành phố ,khiến cho nhiều hoạt động kinh tế của thế giới bị đình trệ.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế hôm thứ Ba đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cho biết họ dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm nay – thay đổi rất lớn so với dự báo trước đó là tăng trưởng 3,3% cũng của cơ quan này.
Nhiều chính phủ đã công bố số lượng lớn các gói kích thích để hỗ trợ nền kinh tế của họ, với kế hoạch vay nợ nhiều hơn để tài trợ cho các khoản chi tiêu đó.
Mỹ đã tăng phát hành chứng khoán kho bạc. Trong khi đó, Đức – quốc gia vốn có quan điểm bảo thủ trước vấn đề chi tiêu tài khóa ngoài dự toán – cho biết họ có kế hoạch tăng khoản vay lên tới 150 tỷ euro (164,4 tỷ USD).
Tuy nhiên, Baptist cho rằng không phải tất cả các chính phủ đều có thể nhận được tài trợ nợ mà họ tìm kiếm. Đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi sẽ phải đối mặt với thách thức lớn trong việc thuyết phục các nhà đầu tư quốc tế cho họ vay nhiều tiền hơn, trong bối cảnh bản thân các nhà đầu tư cũng đang phải tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn cho tài sản của mình.
Nhà kinh tế nói trên cho biết, rất nhiều thị trường mới nổi phụ thuộc vào các nhà đầu tư quốc tế, dòng tài chính quốc tế để có được nguồn vốn tài trợ thâm hụt ngân sách, họ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi vay bằng nội tệ, mặc dù vẫn có một vài trường hợp ngoại lệ.
“Ở thời điểm thị trường quốc tế chuyển đổi mạnh sang e ngại rủi ro như hiện nay, với một số chính phủ tại các thị trường mới nổi muốn chi tiêu nhiều hơn, họ sẽ không thể có được tài trợ nợ”, Baptist nói.
Theo Thời báo Ngân hàng