Theo dữ liệu mới nhất từ Đại học Johns Hopkins, có 30.000 ca nhiễm mới vào ngày thứ Năm (02/04), 32.100 ca nhiễm mới trong ngày thứ Sáu (03/04), 33.260 ca nhiễm mới vào ngày thứ Bảy (04/04) và sau đó chậm lại chỉ còn 28.200 ca nhiễm mới trong ngày Chủ nhật (05/04).
Quan trọng hơn, tại tâm dịch, bang New York báo cáo 594 ca tử vong mới trong ngày Chủ nhật (05/04), thấp hơn so với 630 ca trước đó hôm thứ Bảy (04/04), đánh dấu lần đầu tiên số ca tử vong mỗi ngày vì COVID-19 sụt giảm.
Ông Tom Lee, Giám đốc phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường Fundstrat nhận định: “Các số liệu mới đây cho thấy bang New York có thể đạt đỉnh dịch sớm hơn so với dự đoán lạc quan nhất của Thống đốc Andrew Cuomo. Do tình hình y tế trên khắp nước Mỹ được cải thiện, đặc biệt là triển vọng dịch bệnh sắp đạt đỉnh, tôi cho rằng phe mua vào đang nắm thế chủ động trên thị trường chứng khoán”.
Phố Wall tăng điểm nhờ kì vọng dịch bệnh được kiểm soát
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Hai, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1.627,46 điểm, tương đương 7,73%, lên 22.679,99 điểm. S&P 500 tăng 175,03 điểm, tương đương 7,03%, lên 2.663,68 điểm. Nasdaq tăng 540,16 điểm, tương đương 7,33%, lên 7.913,24 điểm.
Đây là phiên tăng mạnh nhất của cả ba chỉ số kể từ ngày 24/3. Cổ phiếu của 30 công ty trong Dow Jones đều chốt phiên trong sắc xanh, dẫn đầu là cổ phiếu Boeing, tăng 19,47%. Các bluechip khác gồm Raytheon Technologies, American Express và Visa đều tăng trên 11%. S&P 500 lĩnh vực công nghệ và dịch vụ tăng hơn 8%, phiên tốt nhất kể từ đầu năm. S&P 500 ngân hàng tăng 8,21%.
Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 6/4 là 12,62 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 15,52 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên giao dịch trước đó.
Dầu thô giảm giá do nỗi lo nguồn cung chưa thu hẹp
Thị trường năng lượng tuần trước phục hồi 35% sau khi các nguồn tin cho biết OPEC cùng đồng minh, tức OPEC+, cận kề một thỏa thuận cắt giảm sản lượng và họ muốn các nước khác như Mỹ tham gia.
Tuy nhiên, cuộc họp của OPEC+, theo kế hoạch vào ngày 6/4, đã bị hoãn lại tới ngày 9/4 do căng thẳng giữa Nga và Arab Saudi leo thang trở lại. Nhu cầu năng lượng thế giới đã giảm 30% do các biện pháp hạn chế đi lại của các quốc gia nhằm ngăn virus corona lây lan trong khi thị trường lại dư cung.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 trên sàn Nymex sụt 2,26 USD (tương đương 8%) xuống 26,08 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 6 trên sàn Luân Đôn mất 1,06 USD (tương đương 3,1%) còn 33,05 USD/thùng.
Giá dầu WTI giảm mạnh hơn Brent sau khi số liệu từ Genscape cho thấy tồn kho tại Cushing, cửa ngõ giao dầu WTI, bang Oklahoma, tăng 5,8 triệu thùng trong tuần trước. Nếu trùng với số liệu do cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố ngày 8/4, đây sẽ là tuần tồn kho tăng liên tiếp thứ 5 tại Cushing và lớn nhất kể từ năm 2004.
Giavang.net tổng hợp