Trong phiên giao dịch thứ Sáu 27/3, giá vàng đã chững lại nhưng vẫn thiết lập mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ năm 2008 do thiệt hại kinh tế tiềm tàng do dịch Covid-19 gây ra đã thúc đẩy các tài sản an toàn.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng vàng giao tháng 4 lùi 26,20 USD (tương đương 1,6%) xuống $1625/oz. Tuần qua, hợp đồng này đã vọt 9,5%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 09/2008, dữ liệu từ FactSet cho thấy.
Theo CNBC, cũng trong ngày thứ Sáu, hợp đồng vàng giao ngay mất 0,5% còn $1620,81/oz.
Phil Streible, chiến lược gia thị trường tại Blue Line Futures tại Chicago, cho biết xu hướng bán tháo ở cổ phiếu ở Mỹ đã gây áp lực lên tất cả các loại tài sản.
Vàng tuần này được hỗ trợ rất tốt bởi một loạt yếu tố. Đầu tiên, là sự suy yếu của đồng tiền định giá vàng. Sau khi tăng hồi tuần trước, đồng bạc xanh đã đảo chiều giảm trong tuần này, với chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – trượt gần 4%, tuần giảm mạnh nhất kể từ năm 2009.
Thứ hai, nguồn cung vàng hạn chế khiến thị trường không đảm bảo được số vàng giao dịch các hợp đồng.
“Một phần đà tăng trong tuần qua của vàng được giải thích bởi nguồn cung vật chất mỏng dần khi các cơ sở tinh chế vàng sản xuất chậm lại hoặc ngừng hoạt động do các lệnh phong tỏa mùa dịch COVID-19”, Ipek Ozkardeskaya, Chuyên gia phân tích cấp cao tại Swissquote Bank, cho hay.
Thêm nữa, vàng được hưởng lợi khi tất cả các Ngân hàng trung ương toàn cầu tìm mọi cách để hỗ trợ nền kinh tế: Hạ lãi suất, bơm tiền ra nền kinh tế để chống lại suy thoái do dịch bệnh Covid-19.
Trường bộ phận đầu tư tại U.S. Bank Wealth Management, ông Rob Haworth nhận định: “Khi mà các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đua nhau đưa ra chính sách kích thích kinh tế, thanh khoản sẽ dồi dào, lãi suất siêu thấp sẽ đẩy giá vàng tăng lên”.
Giavang.net tổng hợp