Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đang hướng đến gói giải cứu kinh tế Mỹ quy mô 2 nghìn tỷ USD. Thông tin về gói lập tức giúp cải thiện tâm lý trên thị trường chứng khoán phố Wall.
Phố Wall tăng mạnh nhất trong lịch sử
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 2.112,98 điểm, tương đương 11,37%, lên 20.704,91 điểm. S&P 500 tăng 209,93 điểm, tương đương 9,38%, lên 2.447,33 điểm. Nasdaq tăng 557,18 điểm, tương đương 8,12%, lên 7.417,86 điểm.
Cổ phiếu Chevron bứt phá hơn 22% để dẫn đầu đà tăng của Dow Jones, sau khi CEO Công ty này cho biết gã khổng lồ ngành năng lượng sẽ không cắt giảm cổ tức. Cổ phiếu American Express và Boeing cũng đều leo dốc hơn 20%. Năng lượng là lĩnh vực có thành quả tốt nhất thuộc S&P 500, vọt 16,3%, trong khi các lĩnh vực công nghiệp và tài chính đều tăng hơn 12%.
Các cổ phiếu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các lệnh hạn chế do đại dịch COVID-19 đã dẫn đầu đà tăng trong ngày thứ Ba. Cụ thể, cổ phiếu Wynn và MGM Resorts đều vọt hơn 15%. Cổ phiếu Delta Air Lines bứt phá hơn 21%. Trong khi đó, cổ phiếu General Motors leo dốc gần 20%.
Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, mất 0,67 điểm (tương đương 1,2%) còn 60,85.
Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 24/3 là 15,3 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 15,9 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.
Dầu thô tăng liền 2 phiên nhưng vẫn neo ở mức thấp
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 trên sàn Nymex tiến 65 xu (tương đương 2,8%) lên 24,01 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 5 trên sàn Luân Đôn cộng 12 xu (tương đương 0,4%) lên 27,15 USD/thùng.
Chuyên gia phân tích cao cấp về thị trường hàng hóa tại Schneider Electric, ông Robbie Fraser, nhận xét giá dầu tăng lên khi mà các Ngân hàng Trung ương thế giới cố gắng hỗ trợ thị trường, Fed cam kết mua không hạn chế trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ, đồng thời đảm bảo thanh khoản thị trường.
Giavang.net tổng hợp