Đà sụt giảm được nới rộng vào ngày thứ Tư sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch COVID-19 chính thức là đại dịch toàn cầu.
Tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới là hơn 100.000 người, dựa theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins. Chỉ riêng ở Mỹ, đã có hơn 1000 người bị nhiễm bệnh. Sự gia tăng số ca nhiễm đã làm tăng lo ngại về đà suy giảm kinh tế toàn cầu cũng như gia tăng lời kêu gọi sự can thiệp của Chính phủ.
Phố Wall đánh mất hết thành quả hôm thứ Ba, sụt mạnh vào thị trường giá xuống
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1.464,94 điểm, tương đương 5,86%, xuống 23.553,22 điểm. S&P 500 giảm 140,85 điểm, tương đương 4,89%, xuống 2.741,38 điểm. Nasdaq giảm 392,2 điểm, tương đương 4,7%, xuống 7.952,05 điểm.
Dow Jones hiện thấp hơn 20,3% so với đỉnh hôm 12/2, đồng nghĩa rơi vào thị trường giá xuống – giảm ít nhất 20% từ đỉnh gần nhất. S&P 500 và Nasdaq đang thấp hơn 19% so với đỉnh ngày 19/2.
Sự không chắc chắn xung quanh các biện pháp kích thích tài khóa, cùng với sự suy giảm nhu cầu đi lại và gia tăng số ca nhiễm bệnh, đã gây sức ép lên các cổ phiếu hàng không và du thuyền. Cổ phiếu American, Delta, United và JetBlue đều sụt ít nhất 4.3%. Cổ phiếu Norwegian Cruise Line và Carnival lần lượt lao dốc 26,7% và 9,5%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng chìm trong sắc đỏ. Cổ phiếu Bank of America và JPMorgan Chase lần lượt giảm 4% và 4,7%. Cổ phiếu Citigroup sụt 8,6%, trong khi cổ phiếu Morgan Stanley và Goldman Sachs đều giảm hơn 6,5%.
Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 11/3 là 15,1 tỷ cổ phiếu, cao hơn mức trung bình 11,92 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên giao dịch gần nhất.
Nguồn cung tăng mạnh, dầu thô lại quay đầu
Vào ngày thứ Tư, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nguồn cung dầu thô nội địa vọt 7,7 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 06/03/2020, cao hơn dự báo tăng 6,4 triệu thùng của Viện Xăng dầu Mỹ (API) và dự báo cộng 2,5 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts. Cơ quan này đã báo cáo nguồn cung tại Mỹ đã tăng liên tục 6 tuần trước đó.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4 trên sàn Nymex sụt 1,38 USD (tương đương 4%) xuống 32,98 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 5 trên sàn Luân Đôn mất 1,43 USD (tương đương 3.8%) còn 35,79 USD/thùng.
Arab Saudi cùng Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) thông báo kế hoạch tăng sản lượng sau khi cuộc họp của OPEC cùng đồng minh, tức OPEC+, tuần trước thất bại.
Bộ Năng lượng Arab Saudi đã chỉ thị công ty dầu mỏ quốc gia Saudi Aramco nâng sản lượng tối đa lên 13 triệu thùng/ngày từ mốc 12 triệu thùng/ngày hiện tại. Công ty dầu khí quốc gia ADNOC của UAE thông báo tăng sản lượng lên hơn 4 triệu thùng/ngày trong tháng 4 và có ý định tăng sản lượng tối đa lên 5 triệu thùng/ngày, mục tiêu trước đó được đặt ra cho năm 2030.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak nói kế hoạch tăng sản lượng của Arab Saudi “dường như không phải phương án tốt nhất”. Nga đã điện đàm với các thành viên OPEC và phi OPEC nhưng không bên nào đồng ý đề xuất của Moscow.
Giavang.net tổng hợp