Bị yêu cầu cách ly để theo dõi dịch Covid-19, Chủ tịch HĐQT công ty điện gió đã để nhân viên đi thay.
Chiều 9/3, ông Hoàng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh viêm phổi Covid-19 tỉnh, xác nhận cho biết 1 trong 4 trường hợp cách ly sau khi đi trên chuyến bay từ Hà Nội vào Huế có bệnh nhân Covid-19 đã bị đánh tráo.
Cụ thể, ông L.T.H đã đưa 1 nhân viên đi cách ly thay mình vào đêm 8.3 khi cơ quan chức năng Quảng Trị yêu cầu đi cách ly.
Khi cơ quan chức năng phát hiện ông này đã tự nguyện ra trình diện và cách ly. Lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo xử lý nghiêm vụ việc”, một lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Trị.
Còn ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, cũng xác nhận sự việc và “ông H. bị phát hiện không trung thực và đã tự nguyện ra trình diện, cách ly cùng 4 người khác vào sáng 9/3. Những người này đã được lấy mẫu xét nghiệm và đang chờ kết quả”.
Trước đó, ông H và 3 hành khách trú tại Hà Nội đã đi cùng chuyến bay VN1547 từ Hà Nội vào Huế ngày 6/3. Trên chuyến bay này có bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 thứ 30 đang cách ly tại tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Bốn hành khách khi xuống sân bay Phú Bài (Thừa Thiên – Huế) đã đi xe riêng về thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Tối 8/3, cơ quan chức năng đã liên lạc được với 4 người này đưa về cách ly tại Bệnh viện Chuyên khoa Lao và bệnh phổi tỉnh Quảng Trị để theo dõi. Tuy nhiên, ông H. đã để nhân viên đi thay mình.
Về sự việc “đánh tráo” này, luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng hành vi của ông L.T.H là rất nghiêm trọng, vì ông L.T.H là chủ doanh nghiệp, ông đã biết và biết trước về đại dịch Covid-19 gây ra cho toàn xã hội. Trong khi Chính phủ cũng có quy định rất nghiêm ngặt về cách ly và phòng ngừa dịch bệnh lây lan cho xã hội và người dân cũng đang tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh.
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
“Chưa biết ông H. có mang mầm bệnh hay không, nhưng theo quy định, ông H. thuộc diện cần phải cách ly, nhằm ngăn ngừa dịch bệnh, theo yêu cầu của cơ quan y tế, vì vậy ông H. phải nghiêm chỉnh chấp hành. Quá trình cách ly, nếu không phát hiện ông H. mang mầm bệnh, hành vi “đánh tráo” của ông H. cần phải xử lý về mặt hành chính, phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng theo điều 10, Nghị định 176/2013/NĐ-CP”, luật sư Bùi Quốc Tuấn cho hay.
Còn trường hợp xấu, nếu ông H. mang mầm bệnh, theo luật sư Tuấn, hành vi “đánh tráo” nhằm trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế mà mang mầm bệnh, lây nhiễm cho người khác thì ông H. cần bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 240 bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”. Nếu bị truy tố, tùy theo mức độ gây thiệt hại mà người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 12 năm, hoặc bị phạt tiền từ 50 triệu đồng – 200 triệu đồng, hoặc bị phạt tù kèm phạt tiền từ 20 triệu đồng – 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Theo luật sư Tuấn, pháp luật đã có hình phạt hành chính hay phạt tù nghiêm khắc, tuy nhiên quan trọng hơn hết là ý thức con người. Nếu bản thân mỗi người dân không ý thức hết trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, gia đình thì mọi tuyên truyền đều không có tác dụng. Vì vậy, luật sư Tuấn khẳng định mỗi hành vi vi phạm thì cần phải xử lý nghiêm minh hành vi “đánh tráo” như nói trên, để có tính răn đe.
Hiện tại, khi đã nắm rõ toàn bộ sự việc. Thường trực Tỉnh ủy đã yêu cầu UBND tỉnh, các cơ quan chức năng, xem xét, khẩn trương làm rõ để xử lý triệt để vụ việc, đúng quy trình. Sẽ xử lý nghiêm dù bất kỳ người đó là ai, vì đây là vụ việc nghiêm trọng.
Tuy nhiên, ngay lúc này, với bản tính nhân văn của người Việt, Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu việc được ưu tiên hàng đầu là phải cách ly, chữa trị bệnh (nếu có) cho những người nói trên. Còn việc xử lý chắc chắn có, nhưng phải đợi khi có có kết quả xét nghiệm và hoàn thành việc cách ly.
Tổng hợp