Arab Saudi và Nga cuối tuần trước đều tuyên bố sẽ tăng sản lượng sau khi thỏa thuận hợp tác hỗ trợ thị trường năng lượng giữa hai nước sụp đổ hôm 6/3. Moscow từ chối cùng OPEC giảm sản lượng hơn nữa để ứng phó tình trạng lực cầu suy giảm vì ảnh hưởng từ virus corona.
Arab Saudi dự định nâng sản lượng từ 9,7 triệu thùng/ngày lên hơn 10 triệu thùng/ngày từ tháng 4, hạ giá bán dầu để tăng xuất khẩu. Trong khi đó, Nga cũng tuyên bố tăng sản lượng và có thể chịu được giá dầu thấp trong 6 – 10 năm.
Phố Wall ngừng giao dịch vì đà giảm quá sâu
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, chỉ số Dow Jones giảm 2.013,76 điểm, tương đương 7,79%, xuống 23.851,02 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 15/10/2008, khi các cổ phiếu Boeing, Apple, Goldman Sachs và Caterpillar đều khiến chỉ số này giảm ít nhất 100 điểm.
Chỉ số S&P 500 giảm 225,81 điểm, tương đương 7,6%, xuống 2.746,56 điểm. Các cái tên năng lượng thuộc S&P 500, bao gồm Exxon Mobil, Hess và Marathon Oil, khép phiên lao dốc hơn 20%. Nhóm cổ phiếu tài chính cũng giảm hơn 10%. Chỉ số này cũng chứng kiến phiên tồi tệ nhất kể từ ngày 01/12/2008.
Nasdaq giảm 624,94 điểm, tương đương 7,29%, xuống 7.950,68 điểm.
Động thái bán tháo mạnh đã khiến thị trường “ngắt mạch” vài phút sau khi mở cửa. Giao dịch trên thị trường phải tạm ngừng “15 phút” cho tới khi mở cửa lại vào 9 giờ 49 phút (giờ địa phương).
Chỉ số CBOE VIX, đo sự sợ hãi của nhà đầu tư, lên cao nhất kể từ tháng 12/2008.
Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 9/3 là 17,22 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 11,05 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.
Nhà đầu tư đổ xô mua trái phiếu, lợi suất thấp kỉ lục
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm rớt mốc 0,5% lần đầu tiên, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm chạm mốc 1%. Tại một thời điểm hồi đầu phiên ngày thứ Hai, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm trượt xuống mức 0,318%.
Vàng lên đỉnh rồi lao dốc
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng vàng giao tháng 4 tiến 3,30 USD (tương đương 0,2%) lên $1675,70/oz, sau khi vọt 6,79% trong tuần trước, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ năm 2011, dữ liệu từ FactSet cho thấy.
Theo CNBC, cũng trong ngày thứ Hai, hợp đồng vàng giao ngay nhích 0,1% lên $1675,40/oz.
Dầu thô giảm mạnh nhất 30 năm qua
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4 trên sàn Nymex “bốc hơi” 10,15 USD (tương đương 24,6%) còn 31,13 USD/thùng, sau khi tích tắc dao động dưới mốc 29 USD/thùng hồi đầu phiên.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 5 trên sàn Luân Đôn lao dốc 10,91 USD (tương đương 24,1%) xuống 34,36 USD/thùng. Cả 2 hợp đồng dầu Brent và dầu WTI đều đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ cuộc chiến tranh vùng Vịnh tháng 01/1991.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vào ngày thứ Hai đã hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu, hiện đang chứng kiến mức giảm 90.000 thùng/ngày trong năm nay, đảo ngược so với dự báo trước đó tăng 825.000 thùng/ngày.
Giavang.net tổng hợp