Các nhà đầu tư, quĩ ETF trên thế giới đang tăng cường mua vàng như một kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh dịch bệnh do virus corona lây lan mạnh.
Các quĩ tích cực mua vàng
Theo Bloomberg, các nhà đầu tư trên thế giới đang ngày càng đổ nhiều tiền hơn vào vàng khi dịch bệnh do virus corona đang lan mạnh. Đồng thời sức hút của các tài sản rủi ro khác cũng bị ảnh hưởng theo.
Đà tăng của giá vàng trên thế giới đã kéo lượng vàng dự trữ trong các quĩ ETF lên mức cao nhất trong hơn một tháng vào thứ Ba (25/2) vì thị trường chứng khoán giảm điểm. Đây là lần thứ 25 liên tiếp các quĩ ETF ghi nhận dự trữ tăng, mức kỉ lục mới, và đạt 2.624,7 tấn.
Quĩ SPDR Gold Trust mới đây cũng đã tăng lượng mua vàng thêm 0,7% lên 940,09 tấn vào hôm 25/2, theo CNBC.
Ngoài ra, mới đây, trong một lưu ý ông Ole Hansen, người đứng đầu phòng chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank, cho biết trong tháng 1, tổng lượng vàng dự trữ tại các quĩ ETF, vốn đã ở mức cao kỉ lục, đã tăng trung bình 1,3 tấn mỗi ngày. Tính đến ngày 20/2, lượng vàng dự trữ tăng 1,9 tấn mỗi ngày, theo mining.com.
Sau khi tăng tới 18% vào năm ngoái, giá vàng tiếp tục đà này trong năm 2020 và đạt mức cao nhất kể từ năm 2013.
Vàng có sức hút do dịch virus corona đã vượt ra ngoài Trung Quốc, đe dọa đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Chuyên gia phân tích của Moody, ông Mark Zandi cho rằng kinh tế thế giới sẽ lâm vào suy thoái nếu virus corona phát triển thành đại dịch.
Chuyên gia phân tích của Commerzbank đã nhận định lo ngại về virus, đang lây lan nhanh chóng tại nhiều quốc gia, đã khiến các thành phần tham gia thị trường rời tài sản rủi ro và thúc đẩy vàng tăng cao và mạnh hơn nữa.
Cùng với đó, những thiệt hại tiềm tàng về kinh tế và tăng trưởng toàn cầu do dịch bệnh dấy lên lo ngại nhiều quốc gia sẽ phải hạ lãi suất, theo đó khiến các đồng tiền mất giá và giúp vàng trở nên hấp dẫn hơn, theo Kitco.
Giá vàng thế giới có thể đạt 1.850 USD/ounce
Theo trang Investing.com, giá vàng thế giới hôm nay (lúc 12h45 giờ Việt Nam) giảm nhẹ sau nhiều ngày tăng liên tiếp đạt đỉnh 7 năm, do các nhà đầu tư chốt lời. Theo đó, giá vàng giao trong tháng 4 giảm 0,2% xuống 1.646,75 USD/ounce.
Tuy nhiên, đến 15h34 giờ Việt Nam, giá vàng tăng nhẹ 0,1% lên 1.650,7 USD/ounce.
Chuyên gia Hareesh V nhận định “Sự lây lan của virus corona ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu đồng thời hỗ trợ nhu cầu vàng tăng cao. Trong khi đó, nhiều ngân hàng trung ương của các nước đã đưa ra những chính sách nới lỏng nhằm kích thích nền kinh tế”.
Theo trang CNBC, mới đây, Mỹ đã cảnh báo người dân nên chuẩn bị cho sự lây lan của virus corona do các nước Iran, Hàn Quốc, Italy đều đã công bố dịch.
Chuyên gia phân tích Kyle Rodda của công ty IG Markets nhận định “Mọi người đang lo ngại virus corona sẽ lây lan toàn cầu và trở thành đại dịch.
Trong trung hạn, thị trường đang rất khó để đoán định do giới phân tích và nhà đầu tư không thực sự chắc chắn virus corona sẽ tác động thế nào đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Một số người cho rằng ngân hàng trung ương các nước sớm muốn gì cũng sẽ giảm lãi suất”.
Lãi suất giảm, đồng nghĩa với chi phí cơ hội đối với việc đầu tư vàng cũng sẽ giảm theo.
Những chuyên gia phân tích của UBS cảnh báo nếu sự lan truyền của virus sang các khu vực khác và tình hình ở Trung Quốc tiếp tục xấu đi, tình trạng suy yếu trong tăng trưởng kinh tế có khả năng kéo dài vào tháng 4. Điều này có thể thúc đẩy giá vàng lên đến 1.650 USD hoặc 1.700 USD.
Trao đổi với người viết hôm 24/2, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng giá vàng đã vượt 1.600 USD/ounce và có khả năng mốc sắp tới 1.650 USD và tới nữa là 1.700 USD/ounce, tùy theo diễn biến của bệnh dịch do virus corona.
Theo đó, nếu dịch do virus corona kéo dài đến cuối tháng 3 mà thế giới và Trung Quốc không kiểm soát tốt thì giá vàng sẽ lên ngưỡng tiếp theo là 1.650 USD/ounce. Thậm chí, giá vàng có thể đạt tới ngưỡng 1.700 USD/ounce nhưng khả năng đó không cao vì chưa biết dịch bệnh sẽ được khống chế thế nào.
Ngân hàng Goldman Sachs dự báo nếu bệnh dịch tiếp tục kéo dài đến tháng 2, giá vàng có thể tiến tới ngưỡng 1.850 USD/ounce.
Theo Kinh tế và Tiêu dùng