Tính ròng từ đầu tháng 11/2019 đến nay, tổng inflow (vốn vào) lũy kế vào các quỹ đầu tư cổ phiếu của các thị trường mới nổi (EM) lên tới 24 tỷ USD và không có tuần nào bị outflow (vốn ra), theo Báo cáo cập nhật dòng lưu chuyển vốn toàn cầu của Trung tâm Phân tích & Tư vấn đầu tư thuộc Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI).
Dòng vốn liên tục đổ vào EM
Dòng vốn bắt đầu quay trở lại cổ phiếu sau khi FED hạ lãi suất lần thứ 3 vào tháng 10/2019 và xu hướng này vẫn tiếp diễn cho đến thời điểm hiện tại. Cụ thể, đã có thêm 14,8 tỷ USD inflow vào các quỹ đầu tư cổ phiếu của các thị trường mới nổi, đưa tổng inflow lũy kế từ đầu tháng 11/2019 đến nay lên 24 tỷ USD. Tính ròng từ đầu tháng 11 đến nay, các quỹ cổ phiếu EM chưa có tuần nào bị outflow. Trong cơ cấu dòng vốn ở EM, inflow chủ yếu đi vào nhóm GEM (Global Emerging Market funds), đạt 12,8 tỷ USD; tiếp đến là nhóm châu Á, đạt 11,2 tỷ USD. Nhóm châu Mỹ Latinh có dòng vốn khá rời rạc, inflow và outflow đan xen dù lũy kế vẫn có inflow 3 tỷ USD. Nhóm Đông Âu và châu Phi là nhóm duy nhất có outflow. Trong giai đoạn này, có 23,6 tỷ USD đã đổ vào cổ phiếu các thị trường phát triển (DM) nhưng xen kẽ vẫn có những tuần outflow. Mức tăng 20-30% của các chỉ số chứng khoán Mỹ trong năm 2019 đã khiến thị trường này trở nên rất nhạy cảm, lũy kế chỉ có 2,1 tỷ USD vào cổ phiếu Mỹ kể từ đầu tháng 11/2019.
Bên cạnh làn sóng giảm lãi suất trên toàn cầu, sự kiện có tính kích hoạt cho xu hướng đảo chiều là đàm phán thương mại Mỹ – Trung với triển vọng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ngày càng sáng sủa (và đã chính thức được ký kết ngày 15/1/2019). Ngay cả khi quan hệ Mỹ – Iran bất ngờ căng thẳng vào đầu năm 2020, xu hướng dòng vốn cũng ít suy chuyển. Vào tuần thứ 2 của tháng 1/2020, các quỹ cổ phiếu EM tiếp tục có inflow lớn, lên tới 1,9 tỷ USD, trong đó GEM có inflow 1,32 tỷ USD, cao nhất 3 tuần. Nhóm quỹ Đông Âu và châu Phi (nhóm hưởng lợi từ giá dầu) lại tiếp tục bị rút vốn, kéo dài chuỗi outflow sang tuần thứ 7 liên tiếp.
Các diễn biến tích cực của đàm phán thương mại giúp dòng vốn tại Trung Quốc, Hàn Quốc khởi sắc. Trung Quốc có inflow liền 7 tuần, tổng cộng 5 tỷ USD còn Hàn Quốc có 6 tuần với 4,1 tỷ USD. Chỉ số chứng khoán Shanghai Composite (Trung Quốc) và Kospi (Hàn Quốc) đều tăng mạnh trên 6% trong khoảng thời gian này. Đài Loan cũng hưởng lợi từ quan hệ Mỹ – Trung và có inflow đến giữa tháng 12, tuy vậy thị trường này lại bị rút vốn trong 3 tuần gần nhất.
Một trường hợp khá đặc biệt ở khu vực châu Á là Thái Lan. Độc lập với xu hướng dòng vốn ở EM và châu Á, inflow vào Thái Lan đã tích cực hơn kể từ tháng 8, sau khi Fitch và Moody nâng triển vọng của Thái Lan từ “ổn định” lên “tích cực”. Tổng inflow được EPFR thống kê từ tháng 8/2019 đến hiện tại là 1,7 tỷ USD, ngược với outflow 1,5 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm. Chính phủ dân sự của Thái Lan được thành lập vào tháng 3/2019 đã giảm thiểu rủi ro bất ổn chính trị, cùng với đó dự trữ ngoại hối đạt 12 tháng nhập khẩu và lạm phát ở mức thấp đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt quay trở lại. Đồng Baht lên giá mạnh ngoài mong muốn của Chính phủ trong khi chỉ số chứng khoán lại đi xuống cùng với triển vọng tăng trưởng kinh tế 2019 và 2020. Thái Lan là một minh chứng nữa cho thấy tầm quan trọng của một câu chuyện quốc gia. Theo đó, những thay đổi trọng yếu liên quan đến triển vọng, không chỉ gói gọn trong tăng trưởng kinh tế, sẽ tạo được sự khác biệt để thu hút dòng vốn nước ngoài.
Tương đồng và khác biệt so với thời điểm cuối 2018
Nhìn lại thời gian gần nhất các quỹ cổ phiếu EM có inflow là giai đoạn từ tháng 11/2018 đến đầu tháng 2/2019 với 18 tuần inflow liên tục, tổng cộng gần 40 tỷ USD. Sau 3 tháng không ngừng tấn công thuế quan, đẩy cao căng thẳng Mỹ – Trung, kỳ vọng đạt được thỏa thuận tại Hội nghị G20 Argentina (tháng 11/2018) và sau đó là tuyên bố đình chiến được coi là bước ngoặt lớn khiến tâm lý thị trường chuyển biến tích cực và dòng vốn đảo chiều. Các quỹ đầu tư DM tại Mỹ và Tây Âu trong giai đoạn này lại bị rút vốn.
Bối cảnh hiện tại có khá nhiều điểm tương đồng. Mỹ và Trung Quốc sau những tuần đàm phán gần đây đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, trong khi trước đó một vài tháng vẫn đối đầu rất căng thẳng. Dòng vốn vào cổ phiếu bắt đầu có sự phân hóa khá rõ giữa các DM và EM. Trong chặng đường chinh phục các mốc cao mới của chỉ số chứng khoán, dòng inflow vào các quỹ cổ phiếu Mỹ chưa khi nào ghi nhận 3 tuần liên tiếp. Đặc biệt vào tuần cuối tháng 12/2019, có tới 23,6 tỷ USD rút khỏi thị trường Mỹ, mức cao nhất trong 1 năm. Ngược lại, EM có inflow liên tục.
Dòng vốn các quỹ đầu tư tác động mạnh đến diễn biến các chỉ số chứng khoán tại các EM. Dòng inflow giai đoạn cuối 2018 đã khiến chỉ số MSCI EM tăng 10,4%, Shanghai Composite (Trung Quốc) và Kospi (Hàn Quốc) tăng 19,2% và 7,2%. Kể từ tháng 11/2019, 3 chỉ số này cũng đã tăng lần lượt 9,8%; 6% và 7,4%. Nếu so với cuối 2018, các EM thời điểm hiện tại còn có phần thuận lợi hơn do có thêm một nhân tố mới là xu hướng nới lỏng tiền tệ. Chiến lược đầu tư vì vậy cũng thay đổi rõ rệt theo hướng ưa chuộng các tài sản rủi ro.
Khảo sát hàng tháng của Bank of America Merrill Lynch cho thấy, các nhà quản lý quỹ trên toàn cầu đang lạc quan hơn rất nhiều so với giai đoạn cuối 2018. Trong đợt khảo sát tháng 12/2019, có tới 29% trong số 247 nhà quản lý quỹ (AUM 745 tỷ USD) cho rằng kinh tế toàn cầu 2020 sẽ tăng tốc trong khi đợt khảo sát tháng 12/2018 chỉ ra một loạt các dấu hiệu cho thấy tâm lý đang cực kỳ bi quan. Tỷ trọng phân bổ tài sản đầu tư vào cổ phiếu đã tăng liên tục trong 4 tháng khảo sát gần đây, chuyển từ 12%-underweight (8/2019) sang 31%- overweight (12/2019) – mức cao nhất trong cả năm 2019.
Theo Thời báo ngân hàng