Sudan bắt đầu cho phép các công ty tư nhân xuất khẩu vàng nhằm kiềm chế nạn buôn lậu qua biên giới, cũng như tăng cường thu hút tiền mặt vào quốc gia hiện đang thiếu hụt ngoại tệ trầm trọng này.
Trước đó, Ngân hàng Trung ương Sudan là đơn vị độc quyền trong việc thu mua và xuất khẩu vàng.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, quy định mới cho phép các công ty khai thác và kinh doanh vàng có thể xuất khẩu tới 70% lượng vàng họ khai thác được và dành 30% lượng vàng còn lại để bán cho Ngân hàng Trung ương Sudan (CBOS).
Tuy nhiên, các công ty khai thác vàng phải bán lại lượng ngoại tệ họ thu được từ việc xuất khẩu vàng cho CBOS theo tỷ giá chính thức, ngoại trừ lượng ngoại tệ được dùng vào mục đích đầu tư để tái sản xuất.
Cuối tuần trước, Fakher, một công ty tư nhân của Sudan mới được thành lập năm 2015 đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại nước này hưởng lợi từ quy định mới sau khi xuất khẩu thành công 155 kg vàng.
Trong khi đó, một số công ty khai thác và kinh doanh vàng tại nước này cho rằng quy định yêu cầu các công ty phải bán lại lượng ngoại tệ thu được từ việc xuất khẩu vàng cho Ngân hàng Trung ương theo tỷ giá do chính phủ quy định sẽ làm giảm tính hấp dẫn của thị trường này.
Hiện tại, tỷ giá hối đoái chính thức do chính phủ quy định là 45 bảng Sudan ăn 1 USD, trong khi tỷ giá trên thị trường tự do là 88 bảng Sudan /1 USD.
Theo Bộ Năng lượng và Khai khoáng Sudan, quốc gia Đông Bắc Phi này khai thác 93 tấn vàng trong năm 2018, qua đó trở thành nước sản xuất vàng lớn thứ 3 châu Phi sau Nam Phi và Ghana.
Quốc gia có quy mô nền kinh tế 177 tỷ USD hiện đang trải qua thời kỳ suy thoái kinh tế nghiêm trọng kể từ khi Tổng thống Omar al-Bashir bị quân đội Sudan lật đổ hồi tháng 4 năm ngoái sau các cuộc biểu tình kéo dài trong nhiều tháng của dân chúng và bị tòa án nước này kết án 2 năm tù giam hồi cuối năm 2019 vì tội tham nhũng.
Hiện tại, trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 39 tháng, đất nước có dân số 42 triệu người này do Hội đồng lãnh đạo hỗn hợp kiểm soát.
Theo Bnews/TTXVN