Động thái này sẽ giúp đáp ứng nhu cầu tiền mặt ở Trung Quốc trước dịp Tết Nguyên đán, cũng như duy trì ổn định trong thanh toán của các ngân hàng.
Theo kế hoạch, ngày 6/1, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PboC) sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) 50 điểm cơ bản của các ngân hàng, qua đó “giải phóng” khoảng 800 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 114 tỷ USD) vào thị trường.
Trước đó, ngày 1/1, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PboC) cho biết, để hỗ trợ sự phát triển của các thực thể tài chính và giảm chi phí tài chính xã hội, ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã quyết định giảm 50 điểm cơ bản (0,5%) dự trữ tiền gửi của các tổ chức tài chính từ ngày 6/1/2020. Động thái được cho là sẽ “giải phóng” khoảng 800 tỷ nhân dân tệ (khoảng 114 tỷ USD) vào thị trường, nhằm tăng khả năng thanh khoản dài hạn, hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế. Đây là lần đầu tiên ngân hàng Trung ương Trung Quốc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng trong năm 2020. Năm 2019, PBoC cũng đã ba lần hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc để hỗ trợ nền kinh tế nước này, khi tốc độ tăng trưởng trong quý III năm 2019 ở mức thấp nhất trong gần ba mươi năm qua.
Theo PBoC, động thái này sẽ giúp đáp ứng nhu cầu về tiền mặt tăng mạnh ở Trung Quốc trước dịp Tết Nguyên đán vào cuối tháng, cũng như nhằm duy trì tính ổn định trong thanh toán chung của hệ thống ngân hàng.
Mặc dù vậy, theo một số chuyên gia tài chính, giá trị thực mà lượng tiền 114 tỷ USD tác động vào thị trường là không nhiều, nhưng điều mà nó mang lại là hiệu ứng tích cực, đặc biệt là củng cố niềm tin của thị trường cũng như của nhà đầu tư.
Thời gian qua, Trung Quốc tiến hành nhiều biện pháp mạnh nhằm kích thích nền kinh tế đang có dấu hiệu “nguội lạnh” do nhu cầu trong nước sụt giảm và tác động của chiến tranh thương mại Trung – Mỹ. Gần đây nhất, hôm 20/11/2019, nước này cũng cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản, theo đó lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm giảm từ 4,20% xuống 4,15%. Lãi suất kỳ hạn 5 năm được các ngân hàng áp dụng dựa theo lãi suất vay nợ cầm cố giảm từ 4,85% xuống còn 4,80%.
Theo VOV