Năm 2019 có thể coi như một năm biến động khó lường của kinh tế, chính trị thế giới với nhiều mầm mống rủi ro cho năm 2020.
Một năm ấn tượng của vàng và chứng khoán thế giới
Những nhà đầu tư nào nắm giữ vàng từ năm 2018 đến nay hẳn đã có một năm vô cùng hài lòng bởi giá vàng đã lập quá nhiều mức đỉnh mới trong năm qua.
Ngày 4/9/2019, giá vàng giao ngay trên thị trường New York lập kỷ lục 1.552USD/ounce khi mà bất ổn toàn cầu lan rộng, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc khi đó đang ở giai đoạn cao điểm. Sau đó khi mà căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc giảm bớt, giá vàng cũng hạ nhiệt. Dù vậy sau nhiều lần giảm, giá vàng hiện vẫn ở mức rất cao so với cuối năm 2018, giá vàng tăng được khoảng 16% tính từ đầu năm đến thời điểm cập nhật.
Năm nay, thị trường chứng khoán thế giới cũng đạt nhiều kỷ lục mới. Chỉ số Dow Jones tính từ đầu năm 2019 đến nay tăng được 18%; S&P 500 tăng 22%. Trên thị trường châu Âu, thị trường chứng khoán Đức tăng được gần 20%, thị trường chứng khoán Anh tăng được 11%. Diễn biến của thị trường chứng khoán có liên quan trực tiếp đến đàm phán thương mại Mỹ – Trung Quốc. Trong năm qua, thống kê của
Bloomberg cho thấy thị trường chứng khoán toàn cầu đã tăng thêm 17 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu cũng có nhiều phen trồi sụt do chịu tác động trực tiếp từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung cũng như các thông tin liên quan đến triển vọng kinh tế thế giới. Khởi đầu năm 2019 ở mức 44USD/thùng, đến ngày 23/4/2019, giá dầu đã lên mức 66USD/thùng, đến hiện tại giá dầu trên thị trường New York đang quanh ngưỡng 60USD/thùng.
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc
Những ngày đầu tiên của tháng 12/2019 đã làm giới đầu tư thế giới cảm thấy hài lòng khi mà cuối cùng Mỹ và Trung Quốc cũng đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Theo Bloomberg, cụ thể Trung Quốc sẽ tăng mua nông sản Mỹ, trong đó bao gồm đậu tương và thịt lợn, Trung Quốc đưa ra nhiều cam kết mới về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc và không thao túng tiền tệ. Nói với phóng viên tại Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng tổng giá trị thu mua nông sản Mỹ của Trung Quốc sẽ sớm tăng lên ngưỡng 50 tỷ USD/năm.
Mỹ sẽ hoãn việc tăng thêm thuế nhập khẩu với hàng hóa của Trung Quốc, các biện pháp thuế mới dự kiến có hiệu lực từ ngày Chủ Nhật (15/12), áp dụng với khoảng 160 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc như điện thoại thông minh và đồ chơi, theo Đại diện Thương mại Mỹ Robert Ligthizer. Quốc gia châu Á này cam kết tăng mua thêm hàng hóa và dịch vụ Mỹ thêm không dưới 200 tỷ USD so với ngưỡng của năm 2017 trong vòng 2 năm tới. Mức này cao hơn gấp đôi mức 187 tỷ USD hàng hóa dịch vụ mà Mỹ xuất sang Trung Quốc năm 2017.
Đổi lại, Tổng thống Trump đồng ý giảm thuế hiện tại áp với hàng Trung Quốc, ông chấp thuận giảm một nửa mức thuế 15% đang áp với 120 tỷ USD hàng Trung Quốc nhập khẩu, duy trì mức thuế 25% với khoảng 250 tỷ USD hàng Trung Quốc. Ông cũng công bố sẽ hoãn tăng thuế với 160 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong đó có bao gồm điện thoại thông minh và đồ chơi.
Tuy nhiên, bình luận về thỏa thuận thương mại này, nhiều chuyên gia cho rằng thực ra dù chiến tranh thương mại khởi xướng bởi phía Mỹ nhưng cuối cùng Trung Quốc mới là “kẻ thắng” trong cuộc chiến thương mại này.
Đến hiện tại, những yêu cầu cốt lõi của phía Mỹ về việc Trung Quốc phải giảm trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước, ngừng chuyển giao công nghệ bắt buộc hoặc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ thực ra chưa được giải quyết gì. Thế nhưng Tổng thống Trump vẫn cần đến thỏa thuận thương mại vào lúc này, ít nhất để lấy lòng cử tri Mỹ khi cuộc bầu cử năm 2020 dần đến.
Biểu tình Hồng Kông kéo dài gây bất ổn dai dẳng và đình đốn kinh tế
Theo chính quyền thành phố Hồng Kông, các cảnh sát Hồng Kông đã phải ứng phó với hơn 900 cuộc biểu tình, bạo động và tụ tập đám đông từ đầu tháng 6/2019, nhiều trong số đó đã có những hành vi bạo lực trái luật. Tác động của hàng loạt các cuộc biểu tình đã thể hiện rõ ràng trong doanh số bán lẻ sụt giảm cũng như số lượng du khách đến Hồng Kông giảm sâu. Cứ mỗi cuối tuần, chính quyền thành phố lại phải triển khai thêm hàng nghìn cảnh sát trong suốt 6 tháng qua, cùng lúc đó cũng có nhiều vụ đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát.
Rất nhiều doanh nghiệp tại Hồng Kông đang phải chịu đựng nhiều “cú sốc” lớn đến hoạt động kinh doanh của họ do những tác động tiêu cực gây ra bởi người biểu tình ủng hộ dân chủ, nhiều doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh trong bối cảnh bất ổn không biết bao giờ mới kết thúc.
Hiện tại, khoảng 7,5 triệu người đang sống tại Hồng Kông. Thế nhưng phần lớn kinh tế Hồng Kông được hỗ trợ quan trọng bởi khách du lịch Trung Quốc. Trong năm 2018, khoảng 80% trong số 65 triệu du khách đến Hồng Kông đến từ Trung Quốc đại lục.
Cư dân Hồng Kông đang tìm kiếm nhà khắp thế giới khi mà các cuộc biểu tình chống chính quyền nhiều khả năng sẽ tiếp tục kéo dài sang năm mới. Trong những tuần gần đây, nhiều công ty bất động sản tại Australia và Canada công bố nhu cầu mua nhà ở các nước này của người Hồng Kông tăng chóng mặt.
Hồng Kông và Macao dù chung vị thế nhưng thực sự cách hành xử của người dân rất khác nhau. Khi mà các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ đang diễn ra sôi nổi tại Hồng Kông, tại Macao, người ta thấy một câu chuyện hoàn toàn khác. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất được chào đón khi đến Macao, theo tin từ Nikkei.
Khu vực thuộc địa cũ của người Bồ Đào Nha vốn nổi tiếng với các sòng bạc, khu vực này được Trung Quốc coi như kiểu mẫu tính từ khi nó được trao trả lại cho Trung Quốc 20 năm trước đây.
Cuộc khủng hoảng Syria kéo dài tác động xấu đến toàn bộ khu vực Trung Đông
Cuộc khủng hoảng tại Syria bắt đầu với vụ bắt giữ một số trẻ em. Từ đó đến nay, nó đã bùng phát thành cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất tính từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Cuộc nội chiến tại Syria đã khiến cho hơn 300 nghìn người chết và buộc 11,2 triệu người, tức khoảng một nửa dân số của Syria đã phải rời khỏi quê hương.
Từ tháng 2/2011 đến tháng 8/2012, Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đó tuyên bố rằng chính quyền Assad sẽ vượt qua “lằn ranh đỏ” nếu ông Assad sử dụng vũ khí hóa học chống lại người dân ở Syria.
Syria có một trong những chương trình vũ khí hóa học hiện đại nhất thế giới Arab, theo các chuyên gia. Cuộc nội chiến Syria đã tạo nên một cuộc khủng hoảng di cư và khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại. Đến tháng 12/2015, số lượng người di cư vào châu Âu bằng đường biển đã vượt 1 triệu người.
Cho đến nay, một số nước châu Âu thông báo đã đề nghị cấp hàng chục triệu USD thông qua các tổ chức quốc tế để giúp xoa dịu thảm họa nhân đạo ở miền Bắc Syria, song con số này vẫn là quá ít để có thể giúp giải quyết thảm kịch di dân khổng lồ. Còn chiến dịch không quân mới của Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành với Syria đang đẩy nước này vào một thảm kịch mới.
Sáng kiến Vành đai & Con đường của Trung Quốc gặp khó
Từ năm 2013, khi mà Mỹ và nhiều nền kinh tế khác vẫn đang còn đang phục hồi dần từ Đại Suy thoái kinh tế toàn cầu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thông báo chính sách ngoại giao được cho là tham vọng nhất trong thế kỷ 21: Sáng kiến Vành đai & Con đường.
Dự án này khiến nhiều người liên tưởng đến Con đường Tơ lụa, hệ thống mạng lưới tuyến đường thương mại kết nối Trung Quốc với đế chế Roman cổ đại và nhiều cộng đồng dân cư trong đó. Phiên bản Con đường Tơ lụa thời hiện đại thậm chí còn có quy mô lớn hơn thế.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính rằng nếu hoàn thành được, sáng kiến Vành đai & Con đường sẽ có thể giảm thời gian đi lại giữa các hành lang kinh tế trực thuộc khoảng 12%, tăng thương mại thêm từ 2,7 đến 9,7 lần và cứu được 7,6 triệu người ra khỏi đói nghèo.
Tuy nhiên WB cũng khẳng định rằng chính sách này tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt với nhóm nước đang phát triển, nhóm nước này có thể khổn khổ với tình trạng nợ mất kiểm soát. Một số nước đã bắt đầu gặp khó khăn, có thể kể đến Sri Lanka đã buộc phải ký hợp đồng cho Trung Quốc thuê cảng 99 năm nhằm làm giảm gánh nặng nợ nần. Một số nước khác như Malaysia hay Myanar đã buộc phải giảm nợ bằng việc bỏ đi hoặc thu hẹp quy mô một số dự án lớn.
Ngoài ra, phương Tây cũng chỉ trích Trung Quốc. Trung tâm Phát triển Toàn cầu đã xem xét đến “sức khỏe” tài chính của một số nước có nhận tiền từ sáng kiến Vành đai & Con đường. Trong đó có 8 nước hiện đang chật vật trả nợ. Ngoài ra còn nhiều nước khác tham gia dự án này đối đầu với vấn đề tham nhũng, hoặc người dân phản đối việc tham gia dự án bởi lo ngại về tác động xấu đến môi trường.
Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương tăng trưởng chững lại khi thế giới đối diện nhiều thách thức
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng tại nhóm nền kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương dự kiến sẽ chững lại còn 5,8% trong năm 2019 và còn 5,7% và 5,6% trong năm 2020 và 2021.
Điều này phản ánh cho sự suy giảm về tăng trưởng xuất khẩu và hoạt động sản xuất.
Nhu cầu toàn cầu suy yếu trong đó có cả từ Trung Quốc; bất ổn leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến cho xuất khẩu suy giảm và tăng trưởng đầu tư chững lại, điều đó lập tức tác động đến khu vực.
Trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương không tính Trung Quốc, tăng trưởng tiêu dùng vẫn ổn định dù rằng thấp hơn cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chính bởi chính sách tiền tệ và tài khóa. Tăng trưởng tại nhóm nền kinh tế nhỏ trong khu vực vẫn ở mức cao do chịu tác động bởi yếu tố đặc thù của một số quốc gia, trong đó phải kể đến tăng trưởng ổn định trong ngành du lịch, bất động sản…
Theo Phó chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, bà Victoria Kwakwa, tăng trưởng chững lại đồng nghĩa với việc tốc độ giảm đói nghèo giảm đi, WB ước tính khoảng 25% dân số khu vực Đông Á – Thái Bình Dương sống dưới ngưỡng cao của nấc thu nhập trung bình là 5,50USD/ngày.
Theo Bizlive