Các số liệu việc làm của Mỹ được công bố trong tuần từ 30/9- 4/10 có thể sẽ tác động mạnh đến giá vàng.
Giảm mạnh cuối tuần
Giá vàng quốc tế đã biến động khá mạnh trong tuần này; sau khi tăng vọt lên 1.535USD/oz do căng thẳng vùng Vịnh leo thang, giá vàng lại giảm xuống mức 1.486USD/oz, sau đó đóng cửa tuần ở mức 1.496UUSD/oz. Như vậy, giá vàng đã giảm khoảng gần 2% so với mức giá đóng cửa cuối tuần trước.
Trong khi đó tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng biến động theo xu hướng giá vàng quốc tế khi giá vàng miếng SJC tăng lên mức 42,7 triệu đồng/lượng ở đầu tuần, nhưng sau đó lại giảm xuống quanh mức 42 triệu đồng/lượng vào cuối tuần. Giao dịch trên thị trường vẫn kém sôi động do tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư.
Sở dĩ giá vàng điều chỉnh mạnh trở lại sau khi đạt mức 1.535USD/oz là do Tổng thống Trump cho biết Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được thỏa thuận thương mại sớm hơn dự kiến để chấm dứt chiến tranh thương mại Mỹ- Trung do Trung Quốc đang đẩy mạnh mua các nông sản của Mỹ. Điều này đã hỗ trợ tích cực cho USD tăng giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt. Theo đó, USD index đã tăng lên tới gần 99 điểm trong tuần này.
Mặc dù vậy, Mỹ vẫn đang gây sức ép với Trung Quốc khi đang cân nhắc cấm các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. Thông tin này đã khiến các chỉ số chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm, đẩy giá vàng lên 1.497USD/oz khi chốt phiên cuối tuần.
Không những vậy, Mỹ còn đẩy mạnh đàm phán ký kết hiệp định thương mại với các đối tác lớn, trong đó có Nhật Bản, Ấn Độ để tìm đường cho nông sản Mỹ nhằm gia tăng áp lực với Trung Quốc đáp ứng tất cả các yêu cầu của Mỹ. Theo đó, Mỹ tạm hoãn áp thêm thuế đối với ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản, trong khi Nhật Bản hạ thuế quan cho nông sản Mỹ như thịt bò, thịt lợn, đồng thời bãi bỏ thuế đối với hạnh nhân, việt quất, cải xanh… Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng, Mỹ có thể thỏa thuận với các đối tác này không được ký kết FTA với các nền kinh tế phi thị trường, như Trung Quốc.
Ngoài ra, áp lực lạm phát của Mỹ cũng đang có xu hướng tăng trở lại làm giảm kỳ vọng FED sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản trong cuộc họp sắp tới. Chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 8 đã tăng 1,8% so với cùng kỳ, gần tới mức mục tiêu của FED là 2%.
Trong khi đó, căng thẳng giữa Mỹ và Iran vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định Iran chỉ đàm phán song phương với Mỹ khi Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Iran. Tuy nhiên, ông Trump đã bác bỏ yêu cầu này của Iran. “Iran muốn tôi dỡ bỏ lệnh trừng phạt để đổi lấy cơ hội đàm phán. Đương nhiên tôi từ chối”, ông Trump viết trên Twitter.
Tiếp tục điều chỉnh, củng cố
Trong tuần tới, ngoài căng thẳng địa chính trị ở vùng Vịnh, những thông tin xoay quanh cuộc điều tra cả Hạ viện Mỹ luận tội Tổng thống Trump, chiến tranh thương mại Mỹ- Trung…, thị trường vàng còn đón nhận những số liệu kinh tế tháng 9 của Mỹ, như PMI sản xuất công nghiệp và dịch vụ dự kiến đều đạt trên 50 điểm, tỷ lệ thất nghiệp dự kiến vẫn ở mức 3,7%, số liệu việc làm trong lĩnh vực tư nhân (ADP) dự kiến đạt 140.000 việc làm, số liệu việc làm phi nông nghiệp (NFP) dự kiến cũng đạt 140.000 việc làm, tiền lương trung bình hàng giờ dự kiến tăng 0,3%, các bài phát biểu của các thành viên Ủy ban thị trường mở liên bang Mỹ… Trong đó, số liệu NFP được thị trường quan tâm nhiều nhất, vì số liệu này cho thấy sức khỏe thị trường lao động Mỹ. Đây cũng là cơ sở quan trọng để FED xem xét có tiếp tục cắt giảm lãi suất hay không.
Nếu NFP tăng mạnh hơn dự kiến, USD sẽ tiếp tục tăng giá, qua đó tác động tiêu cực đến giá vàng. Ngược lại, số liệu này thấp hơn nhiều so với dự kiến, sẽ đẩy giá vàng tăng mạnh.
Ông Ole Hansen, Trưởng Ban chiến lược của Saxo Bank, cho rằng trong ngắn hạn giá vàng vẫn tiếp tục điều chỉnh, củng cố trong xu hướng tăng trung và dài hạn. “Với những diễn biến hiện nay về triển vọng đàm phán thương mại Mỹ- Trung, nhiều khả năng giá vàng sẽ còn tiếp tục điều chỉnh. Tôi không ngạc nhiên khi giá vàng giảm xuống mức 1.450USD/oz”, ông Ole Hansen nhận định.
Theo phân tích kỹ thuật, các chỉ số trên biểu đồ ngày vẫn cho thấy tín hiệu tiêu cực, trong đó RSI xuống dưới 50, MACD phân kỳ âm và Histogram xuống dưới đường zero, ADX và Stochastic cũng phân kỳ âm. Trên biểu đồ tuần, MACD cũng đã chuẩn bị cắt xuống dưới đường tín hiệu, cho thấy tín hiệu tiêu cực hơn. Tuy nhiên, giá vàng đang nằm trên đường biên trên của kênh tăng giá trung và dài hạn.
Trong khi đó, giá vàng vẫn đi theo mô hình Đầu- Vai trên biểu đồ ngày. Theo đó, nếu vẫn trụ vững trên 1.480USD/oz, thì giá vàng sẽ sớm phục hồi trở lại lên trên 1.500USD/oz và tiếp tục thách thức 1.536USD/oz. Ngược lại, nếu giá vàng bị đẩy xuống dưới 1.480USD/oz, có thể xuống tới vùng 1.435- 1450USD/oz trước khi tăng trở lại.
Theo kết quả khảo sát của Kitco về xu hướng giá vàng trong tuần từ 30/9- 4/10, trong số 16 chuyên gia phân tích của phố Wall, có 8 người (50%) dự báo giá vàng sẽ đi ngang; 5 người (31%) dự báo giá vàng sẽ tăng; và 3 người (19%) dự báo giá vàng sẽ giảm.
Trong khi đó, trong số 855 độc giả tham gia khảo sát trực tuyến của Kitco, có 479 người (56%) nhận định giá vàng sẽ tăng; 222 người (26%) nhận định giá vàng sẽ giảm; 154 người (18%) cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp