Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ và Trung Quốc, vừa lần lượt tuyên bố các đòn thuế quan làm leo thang chiến tranh thương mại, gây chấn động các chuỗi cung ứng và thị trường tài chính toàn cầu.
Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế trả đũa lên khoảng 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ, trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói sẽ tăng thêm 5% thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc và áp thêm lên các hàng hóa khác từ tháng tới. Ông Trump cũng yêu cầu các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc, động thái bùng nổ mới trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại bước vào năm thứ hai. Tuy vậy, ông Trump không thể buộc các công ty Mỹ rời Trung Quốc ngay lập tức.
Trung Quốc tuyên bố sẽ trả đũa sau khi ông Trump tuyên bố sẽ đánh thuế lên thêm 300 tỷ USD hàng hóa từ nước này.
Dưới đây là những tác động tới kinh tế Mỹ khi Tổng thống Trump muốn viết lại trật tự thương mại toàn cầu với Trung Quốc và các đối tác hàng đầu khác, theo Reuters.
Kinh tế toàn cầu
Fitch Ratings ước tính việc Mỹ áp thuế lên thêm 300 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có thể khiến sản lượng kinh tế toàn cầu sụt giảm 0,4%. Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) cho biết thương mại toàn cầu trong quý đầu năm 2019 giảm xuống mức thấp nhất từ năm 2012 và nhấn mạnh những rủi ro cho tăng trưởng kinh tế thế giới nếu có thêm các đòn thuế quan.
Nông nghiệp và năng lượng
Đến nay, nông dân Mỹ là một trong những “nạn nhân” lớn nhất của chiến tranh thương mại. Trung Quốc hiện là thị trường hàng đầu cho nhiều nông sản của Mỹ và đã gây thiệt hại không nhỏ cho nông dân Mỹ với các đòn thuế trả đũa. Chiến tranh thương mại khiến kim ngạch xuất khẩu của nhiều nông sản Mỹ giảm mạnh, bao gồm trái cây, thịt và ngũ cốc. Đậu tương hiện là nông sản xuất khẩu lớn nhất của Mỹ, trong đó phần lớn được xuất sang Trung Quốc trước chiến tranh thương mại.
Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, trong nửa đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu đậu tương sang Trung Quốc của nước này ở mức thấp nhất kể từ năm 2002. Xuất khẩu thịt lợn của Mỹ xuống mức thấp nhất 9 năm. Giá hợp đồng tương lai ngô và đậu tương sụt giảm sau tuyên bố trả đũa mới nhất của Bắc Kinh.
Để bù đắp cho xuất khẩu sụt giảm sang thị trường Trung Quốc, chính phủ Mỹ đã đưa ra chương trình hỗ trợ 28 tỷ USD cho nông dân, trong đó khoảng 8,6 tỷ USD đã được giải ngân vào cuối tháng 6.
Dầu thô Mỹ cũng nằm trong danh sách bị đánh thuế mới của Trung Quốc, khiến giá đầu giảm mạnh thứ Sáu tuần trước. Giá dầu thô Mỹ giảm 3,47% xuống còn 53,4 USD/thùng, còn giá đầu Brent giảm 2,27% còn 58,56 USD.
Công nghệ
Các hãng công nghệ Mỹ cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi thương chiến. Trong phiên giao dịch thứ Sáu tuần trước, nhóm cổ phiếu công nghệ trong nhóm S&P 500 đóng cửa giảm gần 3,2%.
Theo báo cáo của Hiệp hội Công nghệ Tiêu dùng Mỹ đưa ra hồi tháng 6, thuế quan thương mại khiến lĩnh vực công nghệ Mỹ thiệt hại 1,3 tỷ USD mỗi tháng. Kế hoạch áp thêm thuế của Mỹ sẽ làm giá bán lẻ của điện thoại tại nước này tăng trung bình 70 USD, máy tính xách tay tăng 120 USD, còn máy chơi game tăng 56 USD.
Bán lẻ
Các hãng bán lẻ Mỹ cho biết người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi hai đợt thuế quan mới của Washington có hiệu lực vào 1/9 và 15/12 tới. Hiệp hội May mặc và Da giày Mỹ (AAFA) ước tính 77% hàng may mặc, da giày và dệt may vào Mỹ là từ Trung Quốc – tương đương 39 tỷ USD – sẽ bị ảnh hưởng khi thuế quan 15% có hiệu lực vào đầu tháng 9 tới.
Theo một báo cáo mới đây của JPMorgan Chase, các loại thuế đang được áp lên hàng nhập khẩu Trung Quốc khiến các hộ gia đình Mỹ tốn trung bình 600 USD/năm và con số này sẽ tăng lên 1.000 USD khi Mỹ áp thuế lên thêm 300 tỷ USD hàng Trung Quốc.
Ôtô, thiết bị
Các nhà sản xuất ôtô Mỹ có nguy cơ mất một phần lớn doanh thu nếu mất đi thị trường Trung Quốc. Năm ngoái, General Motors bán được 3,64 triệu ôtô tại Trung Quốc, chiếm hơn 43% doanh số toàn cầu của hãng này. Trong khi đó, doanh thu tại khu vực châu Á Thái Bình Dương của Ford Motor Co năm ngoái là 12,4 tỷ USD. Dù không công bố con số cụ thể tại Trung Quốc nhưng thị trường này chiếm phần lớn doanh thu tại khu vực của hãng.
Nhà sản xuất môtô Harley-Davidson cho biết đã tốn thêm 100 triệu USD tiền thuế từ đầu năm 2019 đến nay bởi đòn thuế trả đũa của Liên minh châu Âu.
Thuế thép và nhôm của ông Trump đã khiến chi phí lắp ráp ôtô tại Mỹ tăng thêm hàng tỷ USD, còn thuế quan lên phụ tùng sản xuất tại Trung Quốc cũng đẩy chi phí lên cao.
Theo Vneconomy