Dù các yếu tố hỗ trợ cho giá vàng vẫn còn, nhưng giá vàng đã nằm trong vùng vượt mua, nên khó tránh khỏi áp lực điều chỉnh.
Trong tuần này, sau khi mở cửa ở mức 1.399USD/oz, giá vàng quốc tế đã tăng vọt lên mức 1.439USD/oz, sau đó điều chỉnh xuống sát mức 1.400USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, sau khi mở cửa ở mức 38,58- 38,77 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC đã tăng vọt lên mức 39,4- 39,9 triệu đồng/lượng, sau đó giảm xuống mức 38,7- 39 triệu đồng/lượng.
Sở dĩ giá vàng đã giảm khá mạnh sau khi leo lên đỉnh cao 1.440USD/oz đối với giá vàng quốc tế và 39,9 triệu đồng/lượng đối với giá vàng miếng SJC, là do trong bài phát biểu trước Hội đồng Đối ngoại ở New York, Chủ tịch FED Powell cho rằng FED vẫn đang tiếp tục theo sát tình hình kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Mỹ nói riêng, đồng thời khẳng định FED chưa xác nhận việc cắt giảm lãi suất trong các cuộc họp sắp tới. Đặc biệt, ông Powell cho rằng, FED không hề chịu áp lực chính trị từ Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc cắt giảm lãi suất cơ bản của đồng USD.
Phát biểu của ông Powell như dội “gáo nước lạnh” vào kỳ vọng của thị trường về việc FED sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp ngày 31/7 tới. Theo khảo sát của CME, hiện chỉ có khoảng 33% khả năng FED sẽ cắt giảm 50 điểm phần trăm lãi suất, giảm từ mức 38%, trong khi có tới 73,9% khả năng FED vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức 2,25- 2,5%.
Các số liệu kinh tế Mỹ được công bố mới đây cũng không mấy khả quan, trong đó niềm tin tiêu dùng tháng 6 giảm xuống mức 121,5 điểm so với mức 131,3 điểm của kỳ trước, do người dân ngày càng bi quan về tình hình kinh doanh, thị trường lao động, cũng như lo ngại về chiến tranh thương mại tác động tiêu cực đến kinh tế Mỹ.
Số liệu nói trên, cộng với những số liệu sản xuất công nghiệp, dịch vụ, việc làm được công bố thời gian qua cho thấy, kinh tế Mỹ đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn. Điều này sớm hay muộn cũng buộc FED phải cắt giảm lãi suất cơ bản.
Ông Georgette Boele, Chuyên gia phân tích của Ngân hàng ABN Amro, cho rằng nếu FED không cắt giảm khoảng 25 điểm phần trăm lãi suất trong cuộc họp tháng 7 tới, và cảnh báo chưa vội cắt giảm lãi suất, thì sẽ là cú sốc đối với giá vàng. “Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn duy trì dự báo giá vàng sẽ ở trên mức 1.400USD/oz vào cuối năm nay. Còn trong ngắn hạn, đà tăng của giá vàng đang phụ thuộc vào căng thẳng Mỹ- Iran, đàm phán Mỹ- Trung bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20”, ông Georgette Boele cho biết.
Trong khi đó, tình hình giữa Mỹ và Iran vẫn còn rất căng thẳng, nhất là sau khi ông Trump Trump áp lệnh trừng phạt Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, cùng 8 chỉ huy quân đội cấp cao của nước này, khiến con đường ngoại giao giữa 2 nước đã bị đóng lại. Đáng lưu ý, ông Trump đã có phát ngôn mạnh mẽ, chuyển từ đe dọa tấn công sang tận diệt Iran. Điều này khiến giá dầu thô thế giới tăng lên mức 65USD/thùng.
Tuy nhiên, giá vàng tăng quá nhanh, quá mạnh trong thời gian ngắn đã khiến nhu cầu vàng vật chất giảm mạnh trong thời gian qua, nhất là ở Trung Quốc, Ấn Độ. Theo dự báo của giới chuyên gia, nhu cầu vàng của Ấn Độ– quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới, có thể sẽ giảm hơn 10% trong năm 2019. Được biết, năm 2018 Ấn Độ tiêu thụ 760 tấn vàng. Nhu cầu vàng vật chất vốn hậu thuẫn vững chắc cho đà tăng của giá vàng, nên nếu yếu tố này suy giảm, thì đà tăng của giá vàng cũng khó bền vững.
Trong báo cáo chiến lược vừa công bố, Ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá vàng bình quân ở mức 1.450USD/oz trong 3 tháng tới (từ mức 1.350USD/oz được dự báo trước đây), 1.475USD/oz trong 6 tháng tới và 1.475 USD/oz trong 12 tháng tới.
Hiện thị trường vẫn đang đổ dồn sự chú ý vào diễn biến trong quan hệ Mỹ- Iran, đặc biệt là cuộc gặp giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 28-29/6 tới. Theo dự báo của nhiều chuyên gia, 2 nhà lãnh đạo Mỹ- Trung có thể sẽ đạt được thỏa thuận Mỹ tạm ngừng không áp thuế 25% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc để 2 bên tiếp tục đàm phán. Điều này cũng phần nào tác động tiêu cực đến giá vàng.
Theo phân tích kỹ thuật, chỉ số ADX vẫn đang cho thấy xu hướng tăng giá ngắn hạn. Còn trên biểu đồ tháng vẫn cho thấy xu hướng tăng giá vàng trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, các chỉ số CCI, Stochastic, RSI, Aroon… đang cho thấy tín hiệu vượt mua mạnh trên các biểu đồ ngày và tuần. Theo đó, nhiều khả năng giá vàng sẽ có sự điều chỉnh trước khi tiếp tục tăng trở lại. Nếu bị đẩy xuống dưới 1.380USD/oz, thì giá vàng có thể xuống 1.350USD/oz, thậm chí là 1.310USD/oz trong trường hợp Mỹ- Trung đạt được thỏa thuận thương mại. Trong khi đó, mức 1.444USD/oz đang là mức kháng cự mạnh, tiếp đến là mức 1.460USD/oz.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp