Vàng trong nước có thời điểm đã tăng gần 2,9 triệu đồng/lượng chỉ trong một tháng. Tuy nhiên nhà đầu tư vàng giai đoạn này thu về lợi nhuận thấp hơn khá nhiều, chỉ 70% mức tăng.
Sau khi “sóng vàng” kết thúc năm 2012, vài năm trở lại đây thị trường vàng trong nước có xu hướng ổn định. Tình trạng đầu cơ vàng giảm đáng kể. Các giao dịch viên của nhiều doanh nghiệp vàng lớn cho biết không nhiều người mua vàng với tư cách đầu tư mà chủ yếu giao dịch vẫn là của khách hàng có nhu cầu thực.
Vàng tăng 3 triệu/lượng, dân lãi được bao nhiêu?
Tuy nhiên, với nhiều người, vàng vẫn được xem là kênh giữ tiền an toàn. Trong đợt giá tăng mạnh vừa qua, không ít người giữ vàng từ trước đó đã quyết định chốt lời khoản đầu tư của mình.
Anh Nguyễn Quang Hiếu (25 tuổi, Hà Nội) cho hay cuối tuần trước anh đã bán toàn bộ 10 lượng vàng mua từ ngày Thần Tài đầu năm nay để kiếm lời.
“Đầu năm, tôi mua vào với giá hơn 37,3 triệu/lượng. Khi đó giá cũng đã chênh hơn nửa triệu đồng mỗi lượng so với ngày thường. Tôi đã bán toàn bộ số vàng trên được giá 38,6 triệu”, anh Huy cho hay.
Cũng theo anh Huy, thời điểm anh bán số vàng trên, giá bán ra của doanh nghiệp lên tới 39 triệu đồng/lượng, giá mua vào lại thấp hơn 400.000 đồng. Điều này khiến khoản lợi nhuận anh thu được chỉ là 1,3 triệu đồng/lượng dù giá vàng đã tăng rất mạnh.
Thực tế, nếu tính từ ngày Thần Tài (giao dịch mua vàng của người dân tăng đột biến), giá vàng lúc cao nhất đã tăng tới 2,3 triệu đồng/lượng. Tính từ đầu năm, giá vàng thậm chí đã tăng 3 triệu đồng mỗi lượng.
Nếu mua vàng từ thời điểm sớm này rồi bán ra đợt đỉnh vừa qua (ngày 25/6), nhà đầu tư có thể đã thu về khoản lời lên tới hơn 2 triệu đồng/lượng. Mức này thấp hơn khoảng 30% so với con số tăng của giá vàng vì chênh lệch giá mua – bán.
Theo chia sẻ của các đơn vị kinh doanh, khi giá vàng tăng nếu lượng mua của người dân cũng cao đột biến so với lượng bán, doanh nghiệp sẽ nới chênh lệch giữa giá mua và giá bán để điều tiết.
Việc này đồng nghĩa với việc người dân sẽ phải mua vàng với mức giá cao nhưng sau đó đem bán lại chỉ nhận được mức giá thấp hơn khá nhiều từ các đơn vị kinh doanh này.
Hiện tại, chênh lệch giá mua – bán của các đơn vị kinh doanh đều ở mức 400.000-500.000 đồng/lượng.
Nếu so với mức tăng 2-3 triệu đồng/lượng của giá vàng, khoảng cách chênh lệch giá mua và giá bán đã khiến giới đầu tư mất 25-30% lợi nhuận.
Cụ thể, tính riêng tháng 6, giá vàng miếng tại Tập đoàn Doji đã tăng khoảng 2,9 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, người dân mua và bán vàng trong thời điểm này tại doanh nghiệp trên, mức lợi nhuận thu về chỉ là 2,55 triệu đồng.
Nếu mua tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn – SJC, lợi nhuận thu về cũng chỉ là 2,4 triệu đồng so với mức tăng 2,8 triệu đồng/lượng của giá vàng cùng thời điểm.
Mua đâu bán đó
Tại thị trường Việt Nam hiện nay, duy nhất Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn được phép độc quyền sản xuất cung cấp vàng miếng cho thị trường. Tuy nhiên, giới buôn vàng cho biết dù mua vàng miếng để đầu tư hay sử dụng khi bán đều phải bán tại doanh nghiệp đã mua mới được giá như niêm yết.
“Khi mua vàng, các doanh nghiệp kinh doanh lớn đều có hóa đơn chứng minh nguồn gốc, khi bán, họ cũng yêu cầu cung cấp hóa đơn. Nếu đúng là vàng mua trong cùng hệ thống thì mới được áp dụng giá niêm yết của doanh nghiệp”, anh Hiếu cho hay.
Thậm chí, với các sản phẩm vàng riêng biệt trên thị trường như vàng PNJ của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận; vàng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu hay vàng Doji lẻ của Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji… khi bán đều phải tới đúng điểm kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất mới được áp dụng mức giá niêm yết.
Trong diễn biến mới nhất liên quan giá vàng trong nước, sau phiên tăng mạnh vào hôm qua, giá vàng miếng đã có xu hướng giảm nhẹ vào hôm nay.
Tính đến 2h45 chiều nay (26/6), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng tại mức 38,85 – 39,1 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng so với cùng thời điểm ngày hôm qua.
Giá vàng miếng tại Tập đoàn DOJI cũng đã giảm nhẹ ở cả 2 chiều, hiện ở mức 38,82 – 39,32 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Trong khi các doanh nghiệp lớn khác cũng leo giá bán ra vàng miếng ở mức trên 39 triệu đồng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay hiện ở mức 1.406,4 – 1.406,9 USD/ounce (tương đương khoảng 39,5 triệu đồng/lượng theo giá Việt Nam). Giá này cũng đã giảm khoảng 25 USD/ounce so với mức đỉnh lập vào trưa ngày hôm qua theo giờ Việt Nam.
Theo Zing