Carlos Slim Helu, tỷ phú viễn thông với tập đoàn America Movil lớn nhất Mỹ Latin, nổi tiếng không chỉ vì giàu có và tài đầu tư mà còn bởi những tính cách rất đặc biệt. Ông được người dân Mexico vô cùng ngưỡng mộ vì đã có đóng góp rất lớn cho đất nước này…
Carlos Slim Helú (sinh ngày 28 tháng 1 năm 1940 tại Thành phố Mexico ) là nhà đầu tư nổi tiếng và cũng là nhà thương nhân lớn tại đất nước México. Theo Forbes , ông hiện là người giàu thứ 5 trên thế giới với khối tài sản trị giá gần 60 tỷ USD. Carlos Slim Helu đồng thời cũng là ông trùm chi phối toàn bộ hệ thống viễn thông của Mexico.
Slim đã có năng khiếu buôn bán từ nhỏ. Ông nhớ rất giỏi giá cả của mọi thứ, mới đến tuổi đi học đã thích mặc cả, đổi chác và mua bán để kiếm tiền. Trong một bài phỏng vấn với báo chí, các thành viên của gia đình nhớ lại chuyện ông đã bán lại cho các anh trai khi cái kẹo, lúc thỏi socola hay gói snack mà ông dành dụm chưa ăn mới chỉ từ lúc 6 tuổi. Đến khi đi học, ông thường xuyên mua đi bán lại đồ chơi, đồ dùng với bạn bè bằng tuổi rồi bỏ heo tiết kiệm.
Năm 15 tuổi, khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, Carlos Slim đã tiết kiệm được 5.523 peso và mua được 44 cổ phiếu của ngân hàng Banamex, ngân hàng lớn nhất của Mexico lúc đó. Năm 17 tuổi, khi vừa tốt nghiệp phổ thông, số tiền đó đã lãi thành 31.900 peso. Chính thời khắc đó, ông tự nhận mình có một cảm nhận rất đặc biệt với cổ phiếu.
Trong một lần họp đại hội cổ đông, Carlos Slim Helu, khi ấy hãy còn là một anh chàng trẻ tuổi đang sở hữu một số lượng rất nhỏ cổ phần, đã làm mọi người ngẩn người vì thán phục khi nhắc lại vanh vách các số liệu trong báo cáo tài chính một cách chính xác tỉ mỉ đến tận con số… phần nghìn.
Năm 20 tuổi, ông bắt đầu từ một siêu thị tạp hóa mini, sau phát triển thành chuỗi với tên gọi La Estrella del Oriente. Chuỗi siêu thị của Carlos Slim kinh doanh tổng hợp từ A đến Z, từ sách báo, quần áo, xà phòng, mỹ phẩm, hay thuốc lá, rượu. Dần dà, cả một hệ thống cửa hàng thương mại đã hình thành. Ở tất cả các khu vực trung tâm mua bán sầm uất quan trọng nhất trong thành phố Mexico đều có các cửa hàng của Carlos Slim. Kế đó là sự ra đời và phát triển chóng mặt chuỗi nhà hàng Sanborns – hệ thống nhà hàng cao cấp lớn nhất Mexico và có mặt tại hầu hết thành phố lớn.
Dẫu thành công là vậy, nhưng tới năm 1990 Carlos Slim mới chỉ được biết đến ở trong nước Mexico là chính. Chỉ đến khi trở thành ông chủ của tập đoàn viễn thông Telmex – nay là một phần của Amerca Movil lớn nhất châu Mỹ Latinh – thì Carlos Slim mới tạo ra được tiếng tăm toàn cầu.
Mặc dù Mexico còn xa mới là một nước công nghiệp phát triển nhưng Carlos Slim đã đoán trước được sự giảm sút của mạng điện thoại dây truyền thống, thế vào đó sẽ là thời của điện thoại di động. Chính nhờ Telmex mà ông mới trở thành một trong những tỉ phú giàu nhất thế giới. Năm 1990, Nhà nước Mexico quyết định tư nhân hóa công ty điện thoại và viễn thông quốc gia. Chẳng phải là một chuyên gia kỹ thuật – thậm chí ông còn không biết tiếng Anh và cũng chẳng xài được máy tính, nhưng Carlos Slim đã gom hết vốn liếng của mình để thực hiện thương vụ mua lại.
Với 1,7 tỷ USD, Carlos Slim đã mua gom gần như toàn bộ số cổ phiếu của tập đoàn Telmex.
Thời điểm bấy giờ, khi mua 1 cổ phiếu của Telmex, Carlos Slim chỉ bỏ ra có 0,8 cent. Còn giờ, giá cổ phiếu của Telmex trên thị trường chứng khoán là 44 USD. Vào thời điểm hiện tại, giá trị cả tập đoàn được các công ty kiểm toán độc lập định giá là từ 10 cho đến 12 tỷ USD.
Texmex là một trong những tập đoàn viễn thông đầu tiên trên thế giới có ngay dịch vụ Internet ADSL phục vụ khách hàng. Kề ngay sau những chiến dịch quảng cáo rầm rộ, Carlos Slim tiếp tục làm các đối thủ cạnh tranh “giật nảy người” khi ông tuyên bố cung cấp miễn phí Internet cho thanh thiếu niên đang độ tuổi học hỏi tri thức qua mạng internet.
Năm 2003, Carlos Slim mua đứt tập đoàn điện thoại di động Bell South tại Paulo của Brasil chỉ với 625 triệu USD. Hiện nay Carlos Slim cũng đang nắm cổ phần chi phối tập đoàn viễn thông lớn nhất của Brasil là Embratel Participa.
Ông vốn nổi tiếng với câu nói: “Nếu ngay bây giờ chúng ta đang tìm kiếm hoặc cố gắng hùa theo phong trào của một khoản đầu tư có lợi nhuận ngắn hạn, có thể bạn đã bỏ lỡ nước cờ lớn tiếp theo. Hãy cố gắng tìm ra những công ty tiềm năng, nhưng luôn luôn neo danh mục đầu tư của mình vào các công ty lớn có thành tích tăng trưởng ổn định. Mọi thứ rồi cũng sẽ ổn, đừng lo lắng”.
Tính đến thời điểm hiện tại, ông sở hữu hàng trăm công ty và trên 250.000 nhân viên. Câu nói trên của ông thể hiện quan điểm của các nhà đầu tư giỏi nhất. Họ không chỉ nhìn vào những gì đang xảy ra ở hiện tại. Bằng cách nghiên cứu động lực của một công ty hoặc toàn bộ nền kinh tế và cách nó tương tác với các đối thủ cạnh tranh, các nhà đầu tư tầm vóc sẽ đầu tư ngay từ bây giờ để đón đầu những điều xảy ra trong tương lai. Họ luôn luôn nhìn xa trông rộng.
Đối với ông, từ lâu thị trường cổ phiếu đã nổi tiếng là mỏ vàng tiềm năng nhưng lại ẩn chứa đầy rẫy rủi ro. Bước chân vào lãnh địa, chúng ta có thể sau một phút đạt đến vinh quang tột đỉnh nhưng cũng có thể bị rơi xuống tận đáy chỉ trong chớp mắt. Tham gia vào cuộc chơi ấy, chỉ thông minh thôi chưa đủ. Một chiến thuật hợp lý, linh hoạt theo biến động của thị trường và một tâm lý vững vàng là những điều cần thiết.
Để thành công được như hiện tại, các phương pháp mà ông đưa ra được đúc kết trong 2 điều như sau:
Luôn tập trung vào cổ phiếu công ty hoạt động ổn định
Khi lựa chọn cổ phiếu, tác giả đưa ra chia sẻ ông sẽ chỉ tập trung vào những doanh nghiệp tạo ra doanh số và lợi nhuận tăng liên tục mỗi năm. Còn số năm là bao nhiêu tùy thuộc vào chiến lược đầu tư của từng người. Một điều quan trọng nữa chuyên gia này lưu ý là dư nợ của doanh nghiệp không được quá lớn so với trị giá tài sản. Yếu tố này phòng trường hợp khi lãi suất vay tăng cao, công ty vẫn đủ khả năng trả nợ. Các nhà đầu tư ngắn hạn và lướt sóng có thể không quan tâm đến yếu tố này, nhưng trong dài hạn, đây là vấn đề cần được lưu ý.
Chẳng hạn như Carlos Slim yêu thích chiến lược dài hạn và muốn nắm cổ phiếu trong 15 năm. Ông ấy sẽ phải kiểm tra dữ liệu doanh nghiệp trước khi đầu tư với lịch sử hoạt động khoảng 10 năm. Trong khi đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể chỉ cần thống kê dữ liệu trong 3-4 năm gần nhất để xem xét lại sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.
Chỉ mua khi thị giá cổ phiếu thấp hơn giá trị thực tế
Giá trị thực tế của một của cổ phiếu còn được gọi là “giá trị sổ sách”, tính trên hiệu số giữa tổng tài sản và các khoản nợ, không bao gồm lãi. Thông thường, tác giả cho biết ông tìm đến những cổ phiếu đang có thị giá thấp hơn giá trị thực tế.
Dù vậy, phần lớn giá cổ phiếu bị ảnh hưởng bởi cung, cầu trên thị trường và đa số không phản ánh đúng giá trị thực. Cảm xúc nhà đầu tư là yếu tố luôn chi phối sự tăng, giảm giá mỗi cổ phiếu. Ngay khi một tin tức tiêu cực hoặc có lợi cho doanh nghiệp được tung ra, nhiều người có thể lập bị ảnh hưởng trong ngắn hạn. Cuối cùng, điều quan trọng nhất vẫn là tìm ra giá trị thực một cổ phiếu là bao nhiêu và mua khi thị giá thấp hơn mức này.
Theo Trí thức trẻ