Dù giá vàng ít biến động mạnh trong một vài năm gần đây, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro tăng mạnh nếu xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu chu kỳ 10 năm…
Nếu kịch bản trên xảy ra, giá vàng trong nước khó tránh khỏi “nóng” trở lại, tái diễn cảnh “rồng rắn” xếp hàng mua vàng để làm nơi trú ẩn an toàn.
Ai đang lỗ lực giữ vàng?
Loại trừ trường hợp Ngân hàng Trung ương (NHTW) Venuzuela bán ra lượng vàng trị giá 400 triệu USD, tương đương 9 tấn vàng và con số dự kiến bán theo kế hoạch có thể lên tới 15 tấn trong năm nay, thì các NHTW của nhiều quốc gia trên toàn cầu đã có động thái tích trữ vàng từ nhiều năm qua.
Theo Reuters, trong năm 2018, NHTW Nga đã mua số lượng vàng kỷ lục lên tới 8,8 triệu ounce, tương đương gần 274 tấn, nhiều hơn 22% so với năm 2017. Theo đó, với tổng số vàng nắm giữ lên tới 2.112 tấn, Nga đã vượt qua Trung Quốc và lọt vào nhóm 5 nước có dự trữ vàng lớn nhất thế giới. Hiện Mỹ nắm giữ vàng nhiều nhất, đạt khoảng 8.000 tấn, Đức 3.000 tấn, Italy và Pháp khoảng 2.500 tấn mỗi nước.
Việc các Ngân hàng Trung ương cùng các định chế tăng tích trữ vàng được lý giải bởi những cảnh báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và hệ lụy, trong khi đó vị thế bá chủ của USD có nguy cơ bị lung lay khi một số quốc gia tìm cách lánh xa đồng tiền này, đồng Euro vẫn đang liêu xiêu vì Brexit và 1 số vấn đề của khu vực Eurozone…
Những quyết định giảm lệ thuộc đồng USD và gia tăng giữ tài sản đảm bảo ít rủi ro của nhiều nước, tất nhiên, vẫn không thể chắc chắn được đường đi của giá vàng năm nay. Bởi thế giới bất định thì sẽ chẳng có gì là xác định.
Yếu tố quyết định đường đi của giá vàng
Nỗ lực của các quốc gia mua vàng thỏi, dĩ nhiên là tránh rủi ro “trung tâm thế giới”- nước Mỹ. GDP của Mỹ đến tháng 6/2018 đạt mốc 10 năm tăng trưởng liên tiếp khiến nhà đầu tư lo ngại về đà tăng quá lâu một cách bất thường này có thể làm kinh tế nước này đảo chiều đột ngột và đường cong lợi suất cũng đảo chiều âm. Nếu điều đó xảy ra thì giá vàng khả năng được hỗ trợ.
Tuy nhiên trong ngắn hạn, nhu cầu vàng vật chất ở mức thấp, lãi suất cơ bản của Mỹ vẫn ở mức cao, USD vẫn còn mạnh, trái phiếu Chính phủ Mỹ có giá trở lại, nên vàng bớt sức hút. Đó chính là nguyên do khiến giá vàng rớt về mức 1.272 USD/oz, thậm chí giảm sâu hơn nữa.
Một tín hiệu khác, trong khi Nga tạm yên ở vị trí quốc gia đang có số lượng vàng khổng lồ trong ngân khố và hài lòng với nỗ lực tránh rủi ro tiền tệ xảy ra, Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2019 lại trở về vị trí thế lực giữ vàng số lượng lớn, với 42,9 tấn được tích lũy thêm tương đương nâng lượng dự trữ vàng lên 60,62 triệu ounces tính tới tháng 3/2019. Động thái này của Trung Quốc nhằm củng cố thêm vị thế quốc tế của đồng nhân dân tệ nhằm đối trọng với USD.
Việc “so kè” lực tác động của 2 quốc gia nhất nhì về kinh tế thế giới trên thị trường vàng, cũng khó dự báo chẳng thua kém gì những đòn trừng phạt hay đích nhắm bất ngờ của mỗi bên trong chiến tranh thương mại.
Trong trung hạn, thế giới càng bất ổn, vàng càng có sức hấp dẫn. Việc giá vàng quay đầu trở lại lên tới ngưỡng 1.400USD/oz cũng hoàn toàn có thể xảy ra nếu kinh tế Mỹ tiếp tục có dấu hiệu giảm tốc, khiến USD giảm mạnh; Bắc Kinh tung tiền, hướng đến thay cấu trúc USD bằng vàng thỏi…
Nhu cầu vàng tiềm ẩn nguy cơ “nóng” trở lại
Ở trong nước, điều may mắn là giá vàng trên thị trường, sau các nỗ lực chống vàng hóa của Ngân hàng Nhà nước và nhu cầu nắm giữ vàng giảm xuống, thị trường vàng trong nước ít biến động, trừ dịp vía Thần Tài hoặc những lúc vàng thế giới tăng vọt quá mức.
Dù vẫn tuân theo xu hướng lên xuống nhịp nhàng của giá vàng quốc tế, nhưng có thời điểm trong năm 2018, giá vàng trong nước đã có lúc về dưới giá quốc tế. Và đó chính là “thời điểm vàng” cho nhà đầu tư vàng vật chất mua vào. Nhưng thời điểm này thường rất hiếm khi xảy ra. Theo ghi nhận trong hơn 10 năm qua, có khoảng 6 lần giá vàng trong nước về thấp hơn giá vàng thế giới. Các lần về thấp hơn là các năm 2008, 2010, 2011, 2016, 2017 và 2018.
Trở lại với ba năm gần nhất 2017-2019, một thời gian liên tiếp giá vàng trong nước gần như không biến động nhiều do giá vàng quốc tế ít biến động, nỗ lực quản lý thị trường vàng của NHNN, tỷ giá ổn định và đủ để tạm thời yên tâm bởi những sóng gió của thị trường kim loại quý toàn cầu khó tác động đến tiền tệ Việt Nam.
Dù vậy, vẫn phải thấy rằng xác suất dòng tiền lưu thông mạnh qua vàng vẫn có thể xảy ra, trong trường hợp kinh tế thế giới suy thoái theo chu kỳ 10 năm, thị trường chứng khoán suy giảm kéo dài, thị trường ất động sản đóng băng, hay chật vật.
Phan Dũng Khánh, Chuyên gia tư vấn Đầu tư vàng
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp