Tân Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Nhật Bản vừa cảnh báo NHTW Nhật (BOJ) cần chống lại việc đưa lãi suất âm sâu hơn nữa, bởi một động thái như vậy có thể khuyến khích hoạt động đầu tư rủi ro và gây thêm áp lực đối với lợi nhuận của các nhà băng.
“Đây sẽ là một lựa chọn khá khó khăn”, Makoto Takashima, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Nhật Bản cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Nói đơn giản, điều đó sẽ khiến các tác dụng phụ của chính sách phát triển mạnh hơn nữa”.
Suy đoán về việc BOJ có thể nới lỏng mạnh hơn đang có xu hướng gia tăng khi nền kinh tế suy yếu và các NHTW trên toàn thế giới cũng thay đổi quan điểm chính sách từ thắt chặt sang nới lỏng. Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda đã chỉ ra rằng, việc hạ lãi suất xuống mức âm sâu hơn nữa là một trong những lựa chọn kích thích của ông, ngay cả khi cuộc tranh luận toàn cầu ngày càng mạnh mẽ hơn về những hạn chế tiềm ẩn của biện pháp này, bao gồm cả ảnh hưởng của nó đối với lợi nhuận của các ngân hàng.
BOJ cần phải “cân nhắc hết sức thận trọng” các tác động kinh tế của việc cắt giảm lãi suất ngắn hạn xuống dưới không sâu hơn nữa, Takashima – người đồng thời là Giám đốc điều hành của Sumitomo Mitsui Financial Group Inc. cho biết. Các ngân hàng trong nước đã phải đối mặt với biên lãi suất cho vay rất mỏng và một số công ty tài chính đang chuyển sang đầu tư rủi ro để tăng lợi nhuận, ông nói.
Các ngân hàng lớn của Nhật Bản từ lâu đã chỉ trích chính sách lãi suất âm, vốn được đưa ra vào năm 2016, buộc các tổ chức tài chính phải trả lãi 0,1% cho một phần dự trữ của họ để khuyến khích các tổ chức này sử dụng tiền hiệu quả hơn và thúc đẩy lạm phát. Sự quan ngại về các chính sách tương tự ở nước ngoài cũng đang gia tăng, với việc các quan chức tại NHTW châu Âu gần đây cũng đã xem xét tới vấn đề lãi suất âm đang ảnh hưởng đến thu nhập của ngân hàng.
Tại Nhật Bản, lãi suất âm sâu hơn cũng sẽ khiến cho các nhà đầu tư tổ chức gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm kiếm lợi nhuận cần thiết để phục vụ khách hàng của họ, Takashima nói. Điều đó có thể khiến họ phụ thuộc nhiều hơn vào các sản phẩm ngoại hối, đầu tư vào tài sản của thị trường mới nổi hoặc các tài sản rủi ro khác để đảm bảo lợi nhuận, ông nói.
Nhấn mạnh những mối nguy hiểm đó, Mizuho Financial Group Inc. vào tháng trước đã công bố các khoản giảm thu lớn bao gồm khoản phí 150 tỷ yên (1,4 tỷ USD) để cơ cấu lại danh mục trái phiếu nước ngoài. Hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Moodys cho biết động thái này chủ yếu là kết quả của những tổn thất chưa thực hiện được gây ra bởi lãi suất cao hơn của Hoa Kỳ.
Các ngân hàng cũng đang tập trung vào cái được gọi là nghĩa vụ cho vay thế chấp (CLO), một thực tế gần đây đã thu hút sự quan tâm của cơ quan quản lý tài chính Nhật Bản. “Có thể các tổ chức tài chính của Nhật Bản đang tự tích tụ rủi ro trong chính họ”, Takashima nói, đề cập đến CLO.
Những gợi ý gần đây về việc BOJ có thể triển khai lãi suất cho vay âm – về cơ bản là trả tiền cho các ngân hàng để vay tiền từ NHTW – cũng gặp phải sự hoài nghi của Takashima, người cho rằng động thái như vậy có thể sẽ không mang lại lợi ích gì cho nền kinh tế. “Mặc dù nó khiến các ngân hàng mở rộng cho vay, nó có thể thúc đẩy sự mở rộng tín dụng quá mức cho bất động sản”, ông nói.
Hiệp hội đại diện cho những người cho vay cũng đã chỉ trích sự cứng nhắc của BOJ trong việc đạt được mục tiêu lạm phát 2%, một mục tiêu vẫn nằm ngoài tầm với. Người tiền nhiệm của Takashima, ông Koji Fujiwara năm nay đã kêu gọi BOJ thay thế mục tiêu đó bằng việc tìm kiếm một phạm vi từ 1 đến 2%.
Một trong những mối quan tâm hiện nay của các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản là việc các NHTW thay đổi quan điểm chính sách sang nới lỏng có thể khiến đồng yên tăng giá, từ đó gây tổn hại cho nền kinh tế định hướng xuất khẩu. Tuy nhiên Takashima nói rằng kích thích tài khóa sẽ là một lựa chọn tốt hơn để chống lại tác động kinh tế của đồng yên mạnh hơn, thay vì nới lỏng tiền tệ.
Theo Thời báo Ngân hàng