Đôi khi, thành hay bại của cả đời người lại phụ thuộc vào cách chúng ta đối xử với người xung quanh, Lý Gia Thành là minh chứng rõ ràng nhất cho điều ấy.
Năm 2002, Lý Gia Thành Foundation đã quyên góp tiền để thành lập trường Cheung Kong Graduate School of Business (một trong mười trường đào tạo kinh doanh hàng đầu châu Á). Cùng năm đó, Lý Gia Thành đã tổ chức bữa ăn tối tại Hồng Kông cho hơn 30 sinh viên từ trường này bao gồm Phùng Luân, Mã Vân, Quách Quảng Xương… Lúc bấy giờ, Lý Gia Thành đã trở thành người giàu nhất Trung Quốc và Phùng Luân vẫn là một doanh nhân nhỏ ít được biết đến. Trước khi gặp vị tỷ phú, tất cả sinh viên đều rất lo lắng chuẩn bị từ trang phục, đầu tóc tới cách ăn nói trước mặt ông như thế nào.
Tuy nhiên, vào ngày bữa tiệc diễn ra, họ mới phát hiện ra tất cả mọi sự chuẩn bị đều là thừa thải bởi vì Lý Gia Thành đã sắp xếp xong xuôi mọi thứ. Ngay khi thang máy mở ra, vị tỷ phú tám mươi tuổi đang đứng đợi sẵn bên trong, sau đó lần lượt bắt tay và trao danh thiếp cho tất cả mọi người một cách trân trọng.
Trong một bữa tiệc, người Trung Quốc vô cùng chú trọng cách sắp xếp chỗ ngồi. Vị trí khác nhau thể hiện mức độ danh dự khác nhau cho nên, tất cả sinh viên đều cảm thấy lo lắng, phân vân chưa biết ngồi như nào cho phải. Chính lúc này, ông Lý Gia Thành đã đưa cho mỗi người một hộp phiếu thăm. Rút trúng số nào trong đó, mọi người sẽ ngồi vào bàn đó. Không có bất cứ sắp xếp phân biệt cao thấp nào mà tất cả đều được đối xử ngang hàng, công bằng như nhau, tránh cho các sinh viên rơi vào cảnh khó xử.
Lúc đó, một sinh viên được may mắn ngồi cùng bàn với vị tỷ phú đã cho rằng: “Đây chính là cơ hội để mình có thể trò chuyện và tiếp xúc nhiều hơn với ông ấy. Mình thật là may mắn!”
Ai ngờ, Lý Gia Thành chỉ ngồi ở bàn đó hơn 10 phút, sau đó ông lập tức đứng dậy và nói lời xin lỗi rồi bước tới một bàn khác. Ông nhanh chóng gia nhập cùng mọi người, cười đùa nâng cốc, chia sẻ chuyện trò và sau khoảng 10 phút, họ lại thấy ông lần lượt đi đến các bàn khác nhau. Vậy là, chỉ trong một tiếng đồng hồ, tất cả các sinh viên đều có cơ hội được giao lưu và trao đổi kinh nghiệm thoải mái với vị tỷ phú đáng kính.
Đến khi kết thúc bữa tiệc, Lý Gia Thành vẫn một lần nữa tới bắt tay với từng người và nói lời tạm biệt. Trước khi rời đi, ông cũng không quên trực tiếp cảm ơn những người phục vụ đứng bên cạnh mình suốt thời gian qua.
Từ câu chuyện này, chúng ta có thể hiểu được lý do vì sao Lý Gia Thành có thể trở thành một huyền thoại kinh doanh được nhiều người tôn trọng đến như thế. Một số người ngoài cho rằng đó là may mắn, một số khác thì nghĩ là do sự thông minh, nhưng theo ý kiến của tất cả sinh viên tham dự bữa tiệc hôm ấy, lý do chính xác nhất làm nên thành công của Lý Gia Thành chính là cá tính cũng như nét quyến rũ hàng đầu của ông: Sự thoải mái.
Một người quen của Lý Gia Thành cũng chia sẻ rằng: “Ông ấy dễ dãi và thoải mái như một người anh cả trong gia đình tôi vậy, làm người ta có cảm giác rất thân thiết.”
Là một vị tỷ phú đã trải qua tám mươi năm cuộc đời , nắm trong tay giàu sang phú quý và quyền lực, nhưng vẫn đối nhân xử thế đầy tinh tế chu đáo và giữ được sự thoải mái, dễ dãi của bản thân mình, chính điều này đã chứng tỏ sự khôn ngoan và thận trọng mà Lý Gia Thành tích lũy cả đời trong những tháng ngày sống khiêm tốn, giữ phẩm cách và tầm nhìn đầu tư cực kỳ thông minh. Mặc dù, khi vừa nhìn người ta sẽ không nhận ra bản lĩnh thực sự đằng sau những cử chỉ hiền lành dễ dãi ấy, nhưng càng tiếp xúc, họ lại càng phải nể phục và kính trọng ông.
Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều loại người khác nhau. Có người bên ngoài chỉn chu hào nhoáng nhưng khiến người khác có cảm giác khó chịu, đề phòng. Có người chỉ sở hữu dung mạo bình thường nhưng lại dễ sinh thiện cảm, cho người ta cảm giác thoải mái khi ở bên. Chính những người như vậy mới có đủ sức hấp dẫn khiến người xung quanh muốn kết giao thật lòng, không chút nghi ngờ giả tạo và sẵn sàng đặt niềm tin vào nhau. Ở bên họ, chúng ta cảm thấy thư giãn như đang nghe một khúc nhạc yêu thích, nhâm nhi một ly trà nóng thơm ngát, nhìn thời gian chầm chậm trôi qua như nước chảy êm đềm.
Sự thoải mái này không đến từ những lời nịnh nọt, a dua, cố tình làm hài lòng người khác mà nó xuất phát từ một nội tâm phong phú và một tâm hồn hiền lành, không muốn đưa người khác vào cảnh khó xử hay dìm người khác xuống để nâng mình lên. Với những người đủ tinh tế và thông minh trong cách ứng xử, họ không cần nói chuyện đạo lý đao to búa lớn mà đôi khi chỉ cần một ánh mắt và một hành động, vẫn có thể cho người ta cảm giác sự ấm áp trên đời. Họ giỏi lấy nhu thắng cương, đặt nặng sức mạnh của từng lời nói thấu vào lòng người, giải quyết mọi xung đột trong hòa bình và êm đẹp. Chỉ có như vậy, mối quan hệ giữa người với người mới ngày càng phát triển và bền chặt hơn.
Theo Trí thức trẻ