Ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không tăng lãi suất, đồng USD vẫn có thể mạnh hơn trong năm nay bởi vì triển vọng kinh tế ngắn hạn của Mỹ ít ảm đạm hơn so với các quốc gia khác.
Đồng USD đã tăng khá mạnh trong năm 2018 nhờ vào việc Fed đã thực hiện tăng lãi suất tới 4 lần trong năm và cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Mặc dù quay đầu giảm trở lại trong tháng 12 sau khi Mỹ – Trung tạm thời “đình chiến” để nối lại các cuộc đàm phán thương mại, song tính chung trong năm 2018, đồng USD vẫn tăng giá 4,6% so với 6 đồng tiền chủ chốt.
Đà tăng của đồng bạc xanh vẫn tiếp tục trong năm nay bất chấp cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã dịu lại và Fed cũng tỏ ra thận trọng hơn với việc tăng lãi suất. Theo đó, chỉ số USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác tiếp tục tăng hơn 1% kể từ đầu năm 2019. Trong tuần trước, đồng bạc xanh đã đạt mức cao nhất kể từ ngày 15/2. So với đồng euro, đồng USD đã tăng 2% kể từ đầu năm và ghi nhận mức tăng hàng tuần lớn nhất trong 6 tháng vào tuần trước.
Sự tăng giá của đồng USD trái ngược với những dự báo hồi đầu năm của giới chuyên môn là nó sẽ đi xuống khi Fed phát đi tín hiệu sẽ tăng lãi suất ít hơn. Số liệu lạm phát yếu ớt được công bố hôm thứ ba (12/3) càng hỗ trợ cho sự thay đổi quan điểm này của Fed.
“Đồng đôla vẫn duy trì được đà tăng nhờ vào nhu cầu tài sản an toàn”, Peter Ng – nhà giao dịch ngoại hối cao cấp tại Silicon Valley Bank cho biết. “Kinh tế toàn cầu chậm lại đang ảnh hưởng đến tất cả mọi người và tại thời điểm hiện nay, dường như không có sự thay thế nào tốt hơn cho đồng đôla”.
Các nhà đầu tư trên toàn cầu đang băn khoăn về khả năng tăng trưởng kinh tế chậm lại trong bối cảnh dữ liệu suy yếu. Xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 20,7% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường. Còn tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 7/3 cũng đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của khu vực đồng euro trong năm 2019 xuống còn 1,1% từ mức 1,7%.
Trong khi đó, tại Mỹ tăng trưởng việc làm gần như ngừng lại vào tháng 2 khi chỉ có 20.000 việc làm mới được tạo ra, thấp hơn nhiều so với con số 180.000 việc làm mới mà các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Refinitv dự kiến. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, sở dĩ tăng trưởng việc làm giảm mạnh là do yếu tố thời tiết và tác động của việc Chính phủ đóng cửa một phần trong quãng thời gian dài kỷ lục.
Mặc dù các dữ liệu kinh tế cho thấy rõ sự chậm lại, song tăng trưởng của Mỹ vẫn vững chắc hơn nhiều so với các quốc gia khác. Nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng trưởng 2,6% trong quý 4/2018. Trong khi đó, Viện Quản lý nguồn cung cho biết hôm 12/3, chỉ số hoạt động không sản xuất của Mỹ đã tăng 3 điểm lên 59,7 điểm vào tháng Hai.
Chủ tịch Fed Jerome Powell nói với Chương trình “60 phút” của kênh truyền hình CBS, ông nghĩ rằng kinh tế Mỹ vẫn mạnh, nhưng lưu ý rằng có khả năng sự chậm lại ở nước ngoài có thể bắt đầu tác động bất lợi đến kinh tế Mỹ.
Bên cạnh sức mạnh kinh tế tương đối của Mỹ so với phần còn lại của thế giới, cũng có không ít thương nhân theo đuổi đồng đôla vì lãi suất cao hơn. Lợi suất trái phiếu Kho bạc 2 năm được giao dịch ở mức 2,47% vào thứ Hai. Trong khi đó, trái phiếu 2 năm của chính phủ Đức lại có lợi suất âm 0,54%. Lợi suất trái phiếu 2 năm của Nhật Bản cũng âm. Nói cách khác, việc sở hữu đồng đôla Mỹ hiện đang có lợi hơn so với hầu hết các loại tiền tệ chính. “Nếu so sánh một cách toàn diện, lãi suất tại Mỹ vẫn vượt trội hơn cả”, Ng của Silicon Valley Bank cho biết.
Tuy nhiên, việc đồng đôla mạnh hơn cũng mang đến nhiều bất lợi cho kinh tế Mỹ, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu của Mỹ cũng như đối với các công ty đa quốc gia của nước này. Đồng đôla mạnh hơn khiến người tiêu dùng và các công ty ở nước ngoài khó mua sản phẩm của Mỹ hơn bởi chúng đắt hơn.
Tổng thống Donald Trump mới đây cũng cho biết là ông không hài lòng với việc đồng đôla lên giá trong năm nay. Ông tuyên bố: “Tôi muốn một đồng đôla tuyệt vời cho đất nước chúng ta nhưng không phải là đồng đôla ngăn cản chúng ta kinh doanh với các nước khác”.
Thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất 10 năm vào tháng 12/2018, đạt 59,8 tỷ USD khi mà nhập khẩu tăng 2,1% trong khi xuất khẩu giảm 1,9%.
“Thâm hụt thương mại vẫn tăng bất chấp việc Tổng thống Trump cam kết giảm bớt sự phụ thuộc của Mỹ vào hàng nhập khẩu, và ông giận dữ đổ lỗi cho Chủ tịch Fed Powell đã làm cho đồng đôla Mỹ mạnh lên”, Jack Ablin, đối tác sáng lập của Cresset Wealth cho biết trong một lưu ý cho khách hàng. “Sức mạnh của đồng đôla khuyến khích nhập khẩu trong khi ức chế xuất khẩu bằng cách làm cho hàng hóa và dịch vụ tính bằng đôla Mỹ trở nên kém cạnh tranh hơn… Điều này có nghĩa là trừ khi đồng đôla đảo chiều và suy yếu nhanh chóng, thâm hụt thương mại của Mỹ sẽ có thể trở nên tồi tệ hơn”.
Theo Thời báo Ngân hàng