Với áp lực từ USD đang ở mức cao, giá vàng có thể vẫn sẽ tiếp tục xu hướng điều chỉnh, củng cố trong ngắn hạn.
Trong tuần này, sau khi mở cửa ở mức 1.293USD/oz, giá vàng quốc tế đã tăng nhẹ lên mức 1.296USD/oz, nhưng sau đó lại giảm xuống mức 1.280USD/oz. Sau đó giá vàng gần như chỉ đi ngang.
Sở dĩ giá vàng vẫn tiếp tục điều chỉnh theo hướng sụt giảm trong tuần này do các nhà đầu tư vẫn tiếp tục gia tăng nắm giữ USD sau khi tăng trưởng GDP quý 4/2018 của Mỹ đạt mức khả quan hơn dự kiến (2,6%, cao hơn mức dự kiến 2,4%). Theo đó, USD index đã liên tục tăng, có thời điểm lên tới mức 97,008 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 19/2/2019.
Ông Michael McCarthy, Trưởng Ban chiến lược của CMC Markets, cho rằng, dù tăng trưởng kinh tế Mỹ đã bắt đầu có dấu hiệu suy giảm, nhưng vẫn đang có mức tăng trưởng cao hơn so với các nền kinh tế phát triển khác. Bởi vậy, USD vẫn sẽ có lợi thế hơn nhiều so với các đồng tiền chủ chốt khác trong ngắn hạn. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến giá vàng. “Nếu giá vàng giảm xuống dưới mức 1.274USD/oz, thì có thể sẽ tiếp tục giảm xuống vùng 1.260USD/oz”, ông McCarthay nhận định.
Tuy nhiên, vừa qua, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức 3,3%, từ mức 3,5% được đưa ra hồi tháng 11/2018. Ngoài ra, OECD vẫn dự báo GDP của Trung Quốc- quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, ở mức 6,2% trong năm nay và 6% trong năm tới. Điều này có thể sẽ làm gia tăng nhu cầu mua vàng trong trung và dài hạn.
Những yếu tố tác động trái chiều đã và đang khiến giá vàng rơi vào trạng thái điều chỉnh, củng cố, mà chưa có xu hướng rõ ràng trong ngắn hạn.
Ông Lukman Otunuga, Chuyên gia phân tích cao cấp của FXTM cho rằng, giá vàng có thể chịu áp lực trong ngắn hạn, nhưng vẫn đang có dấu hiệu tích cực trong trung và dài hạn, bởi rủi ro bất ổn kinh tế toàn cầu đang lớn dần.
“Với rủi ro địa chính trị, bất ổn kinh tế toàn cầu, FED sớm ngừng chính sách thắt chặt tiền tệ, giá vàng có thể sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư trong dài hạn”, ông Lukman Otunuga cho biết và nhận định, giá vàng có thể sẽ tiếp tục giảm xuống vùng 1.270USD/oz một khi vẫn còn ở dưới mức kháng cực 1.300USD/oz.
Trong phiên giao dịch hôm nay (ngày 8/3), yếu tố tác động mạnh đến giá vàng là số liệu việc làm phi nông nghiệp (NFP), tỷ lệ thất nghiệp, thu nhập bình quân hàng giờ của Mỹ. Theo dự báo của giới chuyên gia, NFP của Mỹ tháng 2 có thể chỉ đạt 181.000 việc làm, so với tháng 12/2018 là 304.000 việc làm; tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,9%, so với mức 4% của tháng 12/2018… Với tình hình kinh tế Mỹ vẫn còn tích cực trong quý 4/2018, thì các số liệu này có thể chưa giảm mạnh như dự báo, nên có thể sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến giá vàng.
Theo phân tích kỹ thuật, các chỉ số kỹ thuật, như MACD, ADX, Stochastic, RSI… vẫn đang cho thấy tín hiệu tiêu cực về giá vàng. Theo đó, nếu chưa vượt qua 1.302USD/oz, thì nhiều khả năng giá vàng sẽ giảm xuống mức 1.266- 1.274USD/oz trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu vượt qua 1.302USD/oz, thì giá vàng có thể lên tới 1.312- 1.330USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC gần như chỉ đi ngang trong những phiên giao dịch tuần này, từ mức 36,44- 36,54 triệu đồng đến mức 36,50- 36,64 triệu đồng/lượng. Chốt phiên giao dịch ngày 7/3, giá vàng miếng SJC dừng ở mức 36,52- 36,62 triệu đồng/lượng. Hiện tại, giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng quốc tế khoảng gần 600.000đ/lượng.
Theo ghi nhận của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, do giá vàng chưa có xu hướng rõ ràng trong ngắn hạn, nên nhu cầu giao dịch hiện đang ở mức khá thấp.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp