Ngoài những người có hợp đồng lao động phải nghỉ việc, lao động tự do mất việc làm cũng sẽ nhận được tiền từ gói hỗ trợ 61.580 tỷ đồng.
Vừa qua, Chính phủ đã thống nhất dành gói hỗ trợ an sinh ơn 61.580 tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo nguồn tin của PV Báo Giao thông, Dự thảo Nghị quyết hỗ trợ người dân gặp khó khăn đang được lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện và báo cáo Chính phủ trong tháng 4, trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét cho ý kiến.
Theo đó, 4 nguyên tắc hỗ hợ được nêu rõ: Hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19; Nhà nước và doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động; Việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; Ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách Nhà nước để thực hiện các chính sách tại Nghị quyết.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Đào Ngọc Dung, sẽ có khoảng 20 triệu người được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết của Chính phủ.
“Mục tiêu bao quát của gói hỗ trợ tập trung vào đối tượng người lao động bị mất, thiếu, giãn việc làm bởi dịch bệnh, dẫn tới có mức sống không đạt mức sống tối thiểu vùng. Việc hỗ trợ nhằm giữ chân, đảm bảo cho người lao động có mức sống tối thiểu để có thể quay trở lại thị trường sau khi đã phục hồi”, ông Dung nhận định.
Liên quan tới cách thức thực hiện gói hỗ trợ, ông Dung cho biết, ngay khi Nghị quyết được ban hành, các đơn vị liên quan sẽ lập kế hoạch chi tiết đối với từng nhóm đối tượng được hỗ trợ.
Về nguồn thực hiện gói hỗ trợ, đối với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách T.Ư trên 50% sẽ tự bảo đảm kinh phí thực hiện. Ngân sách T.Ư hỗ trợ các địa phương còn lại theo nguyên tắc: 70% mức thực chi theo quy định đối với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên; 50% mức thực chi theo quy định đối với các địa phương chưa tự cân đối ngân sách còn lại (ngoài các tỉnh miền núi, Tây Nguyên); 30% mức thực chi theo quy định đối với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách T.Ư dưới 50%.
Theo Bộ trưởng LĐ, TB&XH Đào Ngọc Dung, sẽ có 6 nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ từ 500 nghìn đồng tới 1,8 triệu đồng/tháng trong tháng 4, 5, 6 bao gồm:
Người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội: 500 nghìn đồng/người/tháng.
Hộ nghèo, hộ cận nghèo: 1 triệu đồng/hộ/tháng.
Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương từ 14 ngày làm việc trở lên 1,8 triệu đồng/người/tháng.
Người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động, trường hợp khó khăn về tài chính được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% của 3 tháng tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động (tháng 4 đến tháng 6/2020) với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.
Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh: 1 triệu đồng/hộ/tháng.
Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; Lao động không có giao kết hợp đồng lao động và mất việc làm (lao động tự do): 1 triệu đồng/người/tháng.
Trong trường hợp đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 2 chính sách hỗ trợ trở lên tại Nghị quyết thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất.
Ngoài ra, 3 chính sách ưu đãi đặc thù cũng được thống nhất đưa vào Nghị quyết. Cụ thể, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 50% số lao động trở lên, được tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất tối đa không quá 12 tháng.
Cho phép người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được hỗ trợ kinh phí từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động. Thời gian hỗ trợ tối đa là 3 tháng, mức hỗ trợ tối đa là 1 triệu đồng/tháng /người.
Cho phép người lao động được gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, thông báo tìm kiếm việc làm qua đường bưu điện trong thời gian từ 1/4 đến khi công bố hết dịch mà không phải xin xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn về việc xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.
Tổng hợp