23 C
Hanoi
21/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Kinh tế Kinh tế Thế giới Tin mới nhất

5 lý do giúp nhà kinh tế hàng đầu thế giới tin chắc Mỹ sẽ không suy thoái

Nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng Mỹ sẽ suy thoái trong năm 2023. Tuy nhiên, ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, tin rằng những dự báo này đều sai.

Ông Mark Zandi, kinh tế trưởng của Moody’s Analytics. Ảnh: Bloomberg

Mặc cho những bộ óc hàng đầu Phố Wall và CEO của hàng chục doanh nghiệp lớn nhất đất nước đã cảnh báo suốt một năm qua về nguy cơ suy thoái, nền kinh tế Mỹ vẫn bền bỉ một cách đáng kinh ngạc.

Lạm phát cao dai dẳng và lãi suất gia tăng vẫn chưa xóa sổ hàng triệu việc làm như lo sợ của nhiều người. Giờ đây, một trong những nhà kinh tế hàng đầu thế giới đang lập luận rằng dự báo của các đồng nghiệp khác là “sai lầm”.

Trên tờ CNN, ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, đã đăng tải bài viết “Lý do tôi đặt cược nước Mỹ sẽ không suy thoái”. Trong bài phân tích, ông khẳng định rằng “lần này thực sự khác biệt”.

Ông viết: “Đúng là nền kinh tế Mỹ mỏng manh và rất dễ đi chệch hướng. Và trong những năm gần đây, chúng ta thường chệch hướng. Nhưng khả năng cao là Mỹ sẽ đi ngược với lịch sử và tránh được suy thoái”.

Theo tờ Fortune, ông Zandi không phải người duy nhất duy nhất có quan điểm ngày càng tích cực về nền kinh tế. Goldman Sachs giờ tin rằng chỉ có 25% Mỹ sẽ suy thoái trong 12 tháng tới.

Ông Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng tại EY-Parthenon, cũng đã trở nên lạc quan hơn sau khi liên tục cảnh báo rằng nhiều khả năng một cuộc suy thoái nhẹ sẽ đổ bộ vào nền kinh tế.

Trong lưu ý gửi đến khách hàng hôm 22/6, ông Daco bày tỏ: “Chúng tôi vẫn tin rằng Mỹ có thể suy thoái, nhưng đã hạ dự đoán về khả năng xảy ra sự kiện này xuống 55%”.

Dưới đây là 5 lý do chính khiến ông Zandi tin rằng Mỹ có thể tránh được suy thoái trong năm nay:

1 Tiết kiệm dư thừa

Trong đại dịch COVID-19, người tiêu dùng không thể chi tiêu nhiều như thường lệ. Họ không thể đi ăn hàng, đến rạp chiếu phim hay đi nghỉ mát. Cùng lúc đó, để ngăn chặn suy thoái, chính phủ Mỹ đã tung ra vài gói kích thích, bơm khoảng 5.000 tỷ USD vào nền kinh tế.

Giai đoạn chi tiêu giảm và thu nhập tăng nhờ tiền trợ cấp của chính phủ đã giúp người tiêu dùng Mỹ tích lũy được nhiều tiền hơn so với thông thường. Các nhà kinh tế gọi hiện tượng này là “tiết kiệm dư thừa”.

Đến cuối tháng 5/2023, người tiêu dùng vẫn còn khoảng 500 tỷ USD tiết kiệm dư thừa, theo nghiên cứu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh San Francisco. Số tiền đó có thể thúc đẩy người dân mua sắm nhiều hơn, giúp nền kinh tế tránh được suy thoái. Chi tiêu tiêu dùng chiếm đến 70% GDP Mỹ.

Ông Zandi giải thích: “Người tiêu dùng là bức tường chắn giữa suy thoái và tăng trưởng kinh tế, và bức tường đó vẫn đang vững vàng”.

2 Tích trữ lao động

Các doanh nghiệp Mỹ đã phải vật lộn để tìm kiếm và tuyển dụng nhân tài từ trước và trong đại dịch. Điều này có xu hướng khuyến khích doanh nghiệp “tích trữ lao động”, tức là tránh sa thải nhân viên.

Ông Zandi chỉ ra: “Khi đại dịch kết thúc, doanh nghiệp hiểu rằng thiếu hụt lao động sẽ trở thành vấn đề lâu dài khi thế hệ baby boomer (những người sinh sau Thế chiến thứ hai) nghỉ hưu trong thập kỷ tới”.

3 Nợ ít

Trong vài năm qua, khá nhiều người đã bày tỏ lo lắng về việc khối nợ trong khu vực kinh tế công và tư nhân phình to. Nhưng theo ông Zandi, doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ thực chất đã kiểm soát tình hình tài chính tốt, và điều đó có thể giúp cản đường suy thoái.

Ông lập luận: “Các hộ gia đình và doanh nghiệp đã vay mượn một cách thận trọng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hơn một thập kỷ trước”.

Nhà kinh tế chỉ ra rằng trong quý I, nợ phải trả của các hộ gia đình Mỹ chỉ bằng 9,6% thu nhập khả dụng. Còn trước khủng hoảng tài chính 2008, tỷ lệ này lên đến 13%, theo dữ liệu của Fed.

Ông cũng nói rằng phần lợi nhuận mà doanh nghiệp trích ra để trả nợ “đang ở gần mức thấp nhất trong lịch sử, giúp giải phóng tiền cho việc tuyển dụng và đầu tư”.

Báo cáo tháng 5 của Moody’s Analytics cho biết hiện nay, các khoản thanh toán tiền lãi nợ vay của doanh nghiệp tính theo tỷ lệ phần trăm của dòng tiền vào khoảng 7,5%, thấp hơn hẳn mức hơn 20% trước cuộc khủng hoảng năm 2008.

4 Tâm lý lạc quan về lạm phát

Ông Zandi chỉ ra rằng lạm phát – dù vẫn cao hơn hẳn mục tiêu của Fed – đang trên đà giảm và dự đoán của người tiêu dùng về áp lực giá đã bớt tiêu cực hơn trước. Điều này có thể cho phép Fed kết thúc chiến dịch tăng lãi suất trong năm nay, giảm thiểu nguy cơ các nhà hoạch định chính sách gây ra suy thoái.

Khảo sát mới nhất của Fed chi nhánh New York cho thấy trong tháng 5, kỳ vọng về lạm phát của người tiêu dùng trong một năm tới đã giảm xuống còn 4,1%, mức thấp nhất trong hai năm trở lại.

Ông Zandi viết: “Thành công của Fed trong việc hạ thấp kỳ vọng lạm phát giúp công việc của họ trở nên dễ dàng hơn. Nếu người tiêu dùng và doanh nghiệp tin rằng Fed sẽ làm những gì cần thiết để đảm bảo lạm phát giảm thì họ sẽ hành động tương ứng. Và điều đó có thể giúp lạm phát đi xuống mức dễ chịu hơn”.

5 Giá dầu thấp

Mỹ đã rơi vào suy thoái hàng chục lần kể từ sau Thế chiến thứ hai, và hầu như chúng “đều xảy ra sau khi giá dầu tăng đột biến”.

Sau khi Nga tấn công Ukraine vào năm ngoái, các nhà phân tích dự kiến giá dầu thô sẽ ở mức cao trong suốt nhiều năm. Nhưng, việc Nga vẫn có thể xuất khẩu  dầu ra thị trường và nhu cầu của Trung Quốc yếu đi ​​đã khiến giá dầu thô đi xuống trong năm nay.

Ông Zandi lập luận rằng giá dầu giảm sẽ giúp giữ lạm phát ở mức thấp. Kết hợp với tài chính ổn định của người tiêu dùng và thị trường lao động vững mạnh, lần này, Mỹ sẽ không rơi vào suy thoái. 

Theo Vietnambiz

Tin liên quan

Đang tải....