39 C
Hanoi
27/04/2024
Image default
Tin mới nhất Vàng Vàng thế giới Vàng trong nước

3 tháng đầu năm 2021: USD, Lợi suất, Bitcoin, Chứng khoán ‘đồng lòng’ dìm vàng xuống đáy

Thị trường vàng thế giới giảm rất sâu trong tháng 3/2021 khi Lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ liên tục tăng cao và đồng USD xác nhận các mức cao mới kể từ cuối tháng 11 năm ngoái.

Dưới áp lực giảm sâu đó, vàng trong nước cũng không thể thoát được kịch bản tiêu cực. Dù rằng giá vàng trong nước neo giá rất tốt, có lúc chênh lệch giữa hai thị trường hơn 8 triệu đồng mỗi lượng, nhưng nhà đầu tư cũng đã lỗ gần 2 triệu đồng mỗi lượng trong 3 tháng vừa qua.

Thị trường vàng thế giới: Một màu đen tối

Những yếu tố đè nặng lên giá vàng hồi tháng 2 vẫn tiếp tục là hòn đá tảng, cản trở thị trường trong tháng 3 này.

Đầu tiên, chúng ta phải kể tới sự bứt phá của lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ. Trong khi hầu hết các quốc gia khá chật vật trong việc phổ biến tiêm chủng vắc xin và hồi phục kinh tế hậu đại dịch Covid-19, Mỹ dường như đang ‘nhanh hơn’ và ‘hiệu quả hơn’. Chính vì vậy, giới thương nhân đang khá tin tưởng vào vai trò đầu tầu kinh tế của Mỹ, kì vọng lạm phát Mỹ sớm tăng trở lại. Kết quả là, lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm lên mức cao nhất trong 14 tháng qua.

Hôm qua 30/3, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm có lúc tăng cao tới 1,775% và hiện giảm về 1,73%. Tuy nhiên, đây vẫn là mức lợi suất Trái phiếu cao nhất kể từ tháng 12/2019.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm trong 3 tháng đầu năm.

Yếu tố tiếp theo khiến nhu cầu vàng giảm là đồng tiền định giá. Sau khi tăng giá khá tốt vào tháng 2, USD tiếp tục chinh phục mức cao mới trong 4 tháng vào cuối tháng 3 này. Việc chỉ số USD vượt trung bình động 200 ngày, lên trên 93 điểm, đã khiến đồng USD tốt hơn nhiều về mặt kĩ thuật sau đà giảm 8% của năm 2020.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán toàn cầu cũng đang là tâm điểm của giới đầu tư. Với các gói kích thích kinh tế xuất hiện ở tất cả các quốc gia, dòng tiền giá rẻ đổ xô vào đầu tư cổ phiếu. Chứng khoán toàn cầu đã vượt các mức kỉ lục và thậm chí được kì vọng là sẽ còn tăng cao hơn trong thời gian tới. Chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ đã tăng hơn 6,2% trong quý I năm nay, Dow Jones thậm chí còn tăng khủng hơn là 8,7% trong cùng kì. Chỉ số Stoxx 600 cũng đã tăng 6,4% trong quý I năm nay.

Tiếp đến, lực bán từ các nhà đầu tư tổ chức thông qua ETF vàng khiến cho thị trường không hề có cầu đỡ. Điển hình là quỹ giao dịch vàng hậu thuẫn lớn nhất toàn cầu SPDR Gold Trust, bán tới 47 tấn vàng trong tháng (tính tới 30/3). Trong quý I năm nay, lượng vàng nắm giữ của quỹ giảm từ 1187,95 tấn về 1037,5 tấn, tức là bán ròng 150,45 tấn.

SPDR bán ròng, lượng vàng nắm giữ liên tục giảm

Cuối cùng, tiền ảo đang là thỏi nam châm hút nhà đầu tư. Sau đà tăng nóng của tháng 2, Bitcoin tiếp tục tạo đỉnh lịch sử, tăng rất sốc lên trên 60 nghìn USD mỗi BTC vào giữa tháng 3. Nhiều nhà phân tích coi rằng BTC đã đánh cắp sự chú ý của vàng. Chiến lược gia hàng hóa cấp cao Mike McGlone của Bloomberg Intelligence cho biết:

Vàng quá tệ trong tháng 3, và nhiều khả năng thị trường sẽ phục hồi. Tuy vậy, chúng tôi thấy kim loại này sẽ bước vào vào một thời gian nghỉ ngơi kéo dài. Đà tăng bị giới hạn bởi mức kháng cự tốt và mức tương đối cao của Bitcoin.

Dưới đây là biểu đồ giá vàng quý I năm nay. Trong tháng 3, giá vàng giảm 2,7% và kim loại quý đã bốc hơi 10,7% trong 3 tháng đầu năm 2021.

Diễn biến giá vàng quý I. Nguồn Tradingview.

Vàng trong nước: Giảm dần dần, lực mua rất thấp

Giá vàng trong nước kể từ đầu nă được neo khá cao với thị trường quốc tế. Nguyên nhân là vì các hãng kinh doanh vàng chỉ là trung gian mua đi – bán lại, giá vốn của họ rất cao và vì vậy giá vàng SJC giảm không tương xứng với thị trường quốc tế.

Hồi đầu tháng 3, chênh lệch giữa hai thị trường có lúc hơn 8 triệu đồng.

Cụ thể, xét với thương hiệu vàng Bảo Tín Minh Châu, giá vàng mở phiên 1/3 tại mức 55,75 – 56,15 triệu đồng mỗi lượng lượng (mua vào- bán ra) tới chốt phiên hôm nay 31/3 giá vàng ở mức 54,20 – 54,50 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra). Như vậy, trong tháng 2, vàng BTMC giảm 1,55 triệu đồng mỗi lượng chiều mua và giảm 1,65 triệu đồng mỗi lượng chiều bán. Trong quý I, giá vàng cũng giảm 1,6 triệu đồng mỗi lượng.

Xét với thương hiệu vàng SJC giá vàng mở phiên 1/3 tại mức 55,70– 56,22 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra) và tới chốt phiên 31/3 giá vàng ở mức 54,10 – 54,52 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra). Như vậy, trong tháng này, vàng DOJI giảm 1,6 triệu đồng mỗi lượng chiều mua và giảm 1,7 triệu đồng mỗi lượng chiều bán. Trong cả quý I, giá vàng hạ 1,6 triệu đồng mỗi lượng.

Diễn biến giá vàng SJC được thể hiện bằng biểu đồ sau:

Diễn biến giá vàng SJC 3 tháng đầu năm. Nguồn tygia.vn

Trong 3 tháng đầu năm, dù có sự kiến ngày vía Thần tài, khối lượng giao dịch vàng không tăng quá đột biến. Nguyên nhân là vì giá vàng không nhiều biến đông, nhà đầu tư khó lướt sóng. Các nhà đầu tư lỡ bị kẹp tại vùng giá 62 triệu đồng hồi tháng 8 năm ngoái không có cơ hội gỡ lại vì giá bán vàng cao nhất chỉ trên 57,5 triệu đồng khiến họ khá chán nản. Các nhà đầu tư muốn mua vào giá thấp thì cũng không nhiều thời điểm đạt kì vọng khi giá vàng SJC giảm khá nhỏ giọt, không tương đồng với thị trường quốc tế. Đáng chú ý, tháng 1, giá vàng còn tăng 1 triệu đồng mỗi lượng dù giá vàng thế giới đi xuống.

Trong khi đó, với lãi suất ngân hàng thấp, nhà đầu tư lựa chọn tìm tới chứng khoán, bất động sản, tiền ảo như một kênh tìm kiếm lợi nhuận thay vì vàng cứ ‘đứng yên rồi lại đi xuống’. Với chứng khoán Việt Nam tiệm cận lại vùng đỉnh lịch sử 1200 điểm, số nhà đầu tư cổ phiếu trong nước tăng chóng mặt. Các nhà đầu tư F0 đã đem lại một luồng gió mới cho thị trường chứng khoán, với số tài khoản mở mới quý I năm nay tăng rất sốc.

Các chuyên gia tài chính cũng nhận định khó có cơ hội đầu tư vào vàng thời điểm hiện tại. Với giá vàng trong nước hơn giá vàng thế giới 7 triệu đồng như hiện tại, nhà đầu tư rất dễ bị ‘đứt tay’ nếu các nhà vàng thu hẹp dần chênh lệch.

Giavang.net tổng hợp

Tin liên quan

Đang tải....