Brexit dù chưa diễn ra nhưng vẫn tác động ghê gớm tới ngành dịch vụ tài chính của nước Anh.
Các ngân hàng và các công ty tài chính khác đã chuyển ít nhất 800 tỷ Bảng Anh (tương ứng 1 ngàn tỷ USD) tài sản ra khỏi nước Anh và chuyển sang Liên minh châu Âu (EU) vì Brexit, EY cho biết trong báo cáo công bố ngày thứ Hai (07/01).
Nhiều ngân hàng đã thiết lập các văn phòng mới ở các nước thuộc EU để bảo vệ hoạt động của họ sau khi Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit. Trong khi đó, các công ty khác chuyển tài sản đi để bảo vệ các khách hàng trước tình trạng biến động dữ dội trên thị trường và những thay đổi bất chợt về quy định.
EY cho biết, con số 1,000 tỷ USD chiếm gần 10% tổng tài sản của lĩnh vực ngân hàng và đây là một “ước tính thận trọng” vì một số ngân hàng vẫn chưa công bố kế hoạch dự phòng của họ.
“Những con số của chúng tôi chỉ phản ánh những động thái đã được công bố công khai”, Omar Ali, Trưởng bộ phận dịch vụ tài chính tại EY, cho hay. “Chúng tôi biết rằng đằng sau bức màn, các công ty tiếp tục lên kế hoạch cho kịch bản ‘nước Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào’”.
EY đã theo dõi 222 công ty dịch vụ tài chính lớn nhất nước Anh kể từ cuộc trưng cầu dân ý Brexit trong tháng 6/2016.
Anh dự kiến rời khỏi EU chỉ trong vòng 81 ngày nữa, nhưng Thủ tướng Theresa May sẽ cần phải có được sự chấp thuận của Quốc hội Anh về thỏa thuận Brexit mà bà đã nhất trí với EU.
Quốc hội Anh sẽ bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit vào tuần tới. Nếu bà May không thể có được sự ủng hộ của Quốc hội về thỏa thuận Brexit, khả năng Anh rời EU mà không có thỏa thuận sẽ tăng vọt.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cho biết, hậu quả từ kịch bản “không có thỏa thuận” sẽ còn tồi tệ hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Về phần các tổ chức tài chính, một Brexit “không có thỏa thuận” sẽ là một ác mộng thực sự. Các thỏa thuận giữa Anh và các nhà điều hành EU sẽ không còn tồn tại và các ngân hàng sẽ đối mặt với những tình huống không rõ ràng về pháp lý – điều này có nghĩa họ sẽ không thể tiếp tục một số hoạt động ở EU.
Trong khi EU cho biết họ sẽ triển khai một vài động thái để né tránh một cuộc khủng hoảng toàn diện, họ cho biết kế hoạch dự phòng chỉ là một giải pháp ngắn hạn nhằm bảo vệ lợi ích của chính họ.
“Các công ty dịch vụ tài chính không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục chuẩn bị dựa trên cơ sở kịch bản ‘không có thỏa thuận nào’”, Ali cho biết.
EY nhận định, các công ty mà họ theo dõi đã tạo ra thêm khoảng 2,000 việc làm mới ở EU chỉ để đối phó với Brexit.
Deutsche Bank, Goldman Sachs và Citi đã chuyển một phần hoạt động ra khỏi Anh. Dublin, Luxembourg, Frankfurt và Paris là những “bến đỗ” phổ biến nhất.
EY cho biết các công ty tài chính có khả năng chuyển thêm tài sản sang EU và tạo ra thêm việc làm ở các thành phố thuộc EU trong vài tuần tới. “Càng gần hạn chót 29/03/2019 mà chưa có một thỏa thuận nào, thì các công ty sẽ chuyển thêm tài sản ra nước ngoài và tuyển dụng nhân viên ở địa phương”, Ali nói thêm.
Luân Đôn đã là thủ đô tài chính của châu Âu trong nhiều thập kỷ qua và là nơi đặt trụ sở quốc tế của hàng chục ngân hàng toàn cầu.
Ngành dịch vụ tài chính Anh tuyển dụng 2.2 triệu người ở Anh và đóng góp 12.5% GDP. Ngành này tạo ra 72 tỷ Bảng Anh (tương ứng 100 tỷ USD) nguồn thu thuế mỗi năm.
Dù Brexit chưa xảy ra, nhưng nền kinh tế Anh đã cảm nhận thấy nỗi đau từ sự kiện này. Lạm phát tăng vọt và niềm tin người tiêu dùng vụn vỡ, qua đó gây tổn thương tới lĩnh vực bán lẻ của quốc gia này. Môi trường kinh doanh đã giảm mạnh, khi các công ty trì hoãn các kế hoạch vì bất ổn về Brexit. Các công ty sản xuất lớn, bao gồm Airbus, đã lên tiếng cảnh báo họ có thể phải rời Anh nếu không có thỏa thuận nào sau Brexit.
Tập đoàn Đức Schaeffler dự định đóng cửa hai nhà máy ở Anh vì bất ổn về Brexit.
Bằng chứng mới nhất về nỗi đau Brexit được đưa ra trong ngày thứ Hai (07/01), khi Hiệp hội sản xuất xe hơi ở Anh là SMMT cho biết, số lượng đăng ký xe hơi mới ở Anh đã giảm 6.8% trong năm 2018, nối tiếp đà giảm của năm 2017.
Theo Vietstock