Đầu tư bất kì một hàng hóa, tài sản nào chưa bao giờ là dễ dàng cả khi thị trường mà biến động không ngừng theo các dòng sự kiện tin tức, kinh tế. Thị trường khiến nhà đầu tư ‘sốc’ các bước điều chỉnh giảm – tăng thực sự không ai tưởng tượng nổi. Vàng trong nước chiều qua chính là minh chứng rõ nét nhất.
Trong phiên giao dịch ngày hôm qua, giá vàng trong nước đã liên tục phá các mốc 46, 47, 48, 49 triệu mỗi lượng. Tới cuối giờ chiều, giá vàng bán ra cao nhất ở Đà Nẵng thậm chí đã đạt 49,7 triệu – xóa bỏ kỉ lục ghi nhận hồi tháng 11/2011. Tuy nhiên, chỉ sau một đêm, giá vàng đã giảm tới hơn 2 triệu mỗi lượng và hiện chỉ còn neo quanh mức 47 triệu. Như vậy, ai lướt sóng vàng chiều qua rất dễ bị ‘bắt dao rơi’.
Diễn biến giá vàng ngày 24/2 – 25/2
Ngày 24-2, do tác động từ thị trường vàng thế giới, cộng với lo ngại dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên ngay khi vừa mở cửa giao dịch, mỗi lượng vàng SJC đã tăng thêm gần cả triệu đồng so với hôm cuối tuần, lên mức 46,4 triệu đồng/lượng mua vào, 46,9 triệu đồng/lượng bán ra.
Trong ngày, giá vàng liên tục được các doanh nghiệp kinh doanh vàng và ngân hàng thương mại điều chỉnh giá theo hướng nhảy vọt. Đến buổi chiều, giá vàng tăng đột biến lên 49 triệu đồng/lượng ở chiều bán, thậm chí có DN niêm yết tới 49,7 triệu đồng/lượng đối với vàng miếng SJC. Cuối ngày, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) chốt giá mua vào 47,8 triệu đồng/lượng, bán ra 49 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua – bán được đẩy lên 1,2 triệu đồng/lượng. Sang phiên sáng nay 25/2, giá vàng SJC lùi sâu về mức 46,80 – 48,00 triệu đồng/lượng.
Chiều qua, một số doanh nghiệp khác vẫn neo giá vàng SJC ở mức rất cao như Tập đoàn DOJI niêm yết mua vào 44,7 triệu đồng/lượng, bán ra 49,3 triệu đồng/lượng, chênh lệch giá mua – bán tới 1,3 triệu đồng/lượng. Sang tới đầu giờ sáng nay, thứ Ba, giá vàng lùi về 46,75 – 47,60 triệu đồng/lượng (tương ứng giá mua- bán).
Giá vàng SJC tại NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng đóng cửa ở mức 48 triệu đồng/lượng mua vào; 49,3 triệu đồng/lượng bán ra. Đáng chú ý, chỉ trong 1 ngày, NH này đã thay đổi bảng giá vàng tới 33 lần, cho thấy sự iến động bất thường của kim loại quý này. Sang tới phiên giao dịch sáng nay, giá vàng Eximbank giảm về 47,10 – 48,10 triệu đồng.
So với hôm cuối tuần, giá vàng SJC đã tăng khoảng 3 triệu đồng/lượng. Còn nếu tính từ đầu năm đến nay, mỗi lượng vàng tăng đến 6,6 triệu đồng/lượng (tương đương mức tăng 15,5%).
Nguy cơ lỗ nặng nếu lướt sóng vàng
Chuyên gia nhận định ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế sẽ còn ảnh hưởng rất nặng nề trong thời gian tới, có thể kéo dài đến quý III, quý IV/2020 và khả năng đến cả năm 2021. Và sự phục hồi của nền kinh tế sẽ cần phải một thời gian rất dài, không thể trong một vài tháng.
Tuy nhiên, việc đầu tư vào vàng sẽ cực kì rủi ro, chuyên gia Bùi Quang Tín dẫn chứng: “Giai đoạn 2008 – 2012, giá vàng đã lên đỉnh điểm $1900/oz nhưng sau đó tụt xuống liên tục, rất nhanh khiến nhiều nhà đầu tư vàng trong nước thua lỗ, thậm chí là phá sản, đặc biệt là những người vay tiền của người thân, ngân hàng để đầu tư vào kim loại này”.
Khoảng cách giữa giá mua – bán cũng gia tăng cách biệt do lo ngại rủi ro khi giá vàng tăng quá nhanh. Chênh lệch giá bán vàng miếng tại SJC được tăng lên mức 1,2 triệu đồng/lượng, gấp hơn hai lần so với mức chênh lệch sáng cùng ngày ở mức 700 – 800.000 đồng/lượng. Còn tại Eximbank, giá vàng đã làm náo loạn thị trường khi tăng giá bán lên 49,7 triệu đồng/lượng nhưng giá mua vào chỉ 47,7 triệu đồng/lượng. Động thái này gây rủi ro rất lớn cho người mua vàng khi khoảng cách giữa giá mua – giá bán quá cao.
Phân tích thêm về yếu tố bất thường trên thị trường vàng trong ngày đầu tuần, chuyên gia vàng Phan Dũng Khánh nói: “Giá vàng đang ở mức quá cao, cao nhất trong 9 năm qua và quá bất thường so với thế giới; chưa kể biên độ chênh lệch giá mua – bán lớn nên sẽ là rủi ro cho người mua vàng lúc này”.
Chuyên gia vàng Trần Thanh Hải phân tích nếu tính từ thời điểm bắt đầu dịch bệnh Covid-19 đến nay, giá vàng thế giới đã tăng một mạch từ ngưỡng $1480/oz lên mức cao nhất $1688/oz trong ngày 24-2, tương đương mức tăng 14%. Còn nếu tính từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng tới 18%. Như vậy, chỉ trong vòng 2 tháng, đà đi lên của giá vàng thế giới đã bằng tốc độ tăng của cả năm 2019; trong khi giá vàng trong nước cũng tăng gần 16% từ mức trên 42 triệu đồng lên vượt 49 triệu đồng/lượng…
Giavang.net tổng hợp