Trong một nghiên cứu mới nhất hôm 15/9, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cảnh báo nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ rơi vào suy thoái vào năm tới do làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay nhưng không đủ khả năng để kiềm chế lạm phát.
Nghiên cứu của World Bank ước tính, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2023 sẽ tụt xuống còn 0,5% và tính theo đầu người sẽ giảm khoảng 0,4%. Điều này thoả mãn định nghĩa kỹ thuật về suy thoái toàn cầu.
Sau khi tăng trưởng kỷ lục trong năm 2021, một cuộc suy thoái sẽ chấm dứt đà phục hồi ngắn hạn trước đó. Nền kinh tế thế giới sẽ mất thêm một thời gian để trở lại xu hướng trước đại dịch.
Chủ tịch World Bank David Malpass bình luận: “Các nhà hoạch định chính sách có thể chuyển trọng tâm từ giảm tiêu dùng sang thúc đẩy sản xuất”.
“Các chính sách nên tìm cách kích thích đầu tư mới, cải thiện năng suất cũng như phân bổ vốn. Đây đều là những yếu tố quan trọng đối với tăng trưởng và tiến trình xoá đói giảm nghèo”, ông tiếp tục.
Nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế World Bank bao gồm Justin-Damien Guenette, M. Ayhan Kose, and Naotaka Sugawara cũng đưa ra một số cách để các ngân hàng trung ương có thể tiếp tục chiến đấu với lạm phát mà không đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
Thứ nhất, các ngân hàng trung ương phải truyền đạt các quyết định chính sách một cách rõ ràng để giúp củng cố kỳ vọng của công chúng về lạm phát và giảm mức độ thắt chặt cần thiết.
Ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế tiên tiến nên lưu ý về tác động lan toả xuyên biên giới của quá trình thắt chặt chính sách. Trong khi đó, giới chức ở các thị trường mới nổi nên tăng cường các quy định an toàn vĩ mô và xây dựng dự trữ ngoại hối.
Thứ hai, các nhà quản lý tài khoá cần căn chỉnh cẩn thận việc rút bỏ các biện pháp hỗ trợ thời đại dịch, đồng thời đảm bảo tính nhất quán với các mục tiêu chính sách tiền tệ.
Số lượng các quốc gia thắt chặt chính sách tài khoá trong năm tới dự kiến sẽ đạt mức cao nhất kể từ đầu thập niên 1990 – qua đó khuếch đại tác động của các chính sách tiền tệ đối với tăng trưởng.
Các nhà hoạch định chính sách cần đưa ra những kế hoạch tài khoá trung hạn đáng tin cậy và cung cấp hỗ trợ hướng đến các hộ gia đình dễ bị tổn thương.
Mặt khác, các nhà hoạch định chính sách kinh tế khác cần tham gia vào cuộc chiến chống lạm phát bằng cách thúc đẩy nguồn cung toàn cầu.
Giavang.net