Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) kinh tế Việt Nam sẽ chậm lại do đại dịch Covid-19, GDP dự kiến tăng trưởng khoảng 4,8% cho cả năm 2021.
Dự báo này thấp hơn hai điểm phần trăm so với dự báo do Nhóm Ngân hàng Thế giới đưa ra vào tháng 12/2020, có xét đến tác động tiêu cực của đợt dịch Covid-19 hiện nay đến các hoạt động kinh tế.
Tại báo cáo “Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam – Ấn bản Tháng 8/2021” vừa được Ngân hàng Thế giới công bố chiều ngày 24/8, nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2021 và hướng dần về tốc độ tăng trưởng trước đại dịch ở mức từ 6,5% đến 7,0% từ năm 2022 trở đi.
Theo bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp WB, thời gian qua kinh tế Việt Nam thể hiện khả năng chống chịu rất tốt và đạt kết quả vững chắc trong nửa đầu năm 2021 với mức tăng trưởng 5,6%, nhờ sự tăng trưởng của khu vực công nghiệp, tuy nhiên hiện đang phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng do dịch bệnh Covid-19 bùng phát trong nước và lan ra hầu hết các địa phương từ cuối tháng Tư. Mặc dù có khả năng chống chịu tương đối tốt nhưng nền kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế ngày càng nghiêm ngặt hơn trong bối cảnh tỷ lệ tiêm vắc xin còn thấp.
Dự báo mới được đưa ra dựa trên giả định rằng, đợt bùng phát dịch hiện nay sẽ dần được kiểm soát, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi trong quý IV/2021. Giai đoạn phục hồi cũng sẽ được hỗ trợ bằng việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc xin diện rộng, ít nhất 70% dân số trưởng thành được tiêm chủng vào giữa năm 2022, giúp ngăn ngừa những đợt bùng phát dịch nghiêm trọng mới.
Trong thời gian còn lại của năm 2021, chính sách tiền tệ vẫn sẽ là nới lỏng thông qua triển khai thực hiện một số công cụ chính sách khác nhau và cho phép tái cơ cấu các khoản nợ. Chính phủ có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Các cấp có thẩm quyền cũng cần mở rộng hỗ trợ tài chính thông qua kết hợp giữa hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt và trợ giá, như đã bắt đầu thực hiện từ đầu tháng 7/2021.
Theo ông Rahul Kitchlu, quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam liệu có phục hồi vào nửa sau năm 2021 hay không còn tùy thuộc vào kết quả kiểm soát đợt dịch Covid-19 bùng phát hiện nay, hiệu quả triển khai vắc xin và hiệu suất của các biện pháp tài khóa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình bị ảnh hưởng, và để kích thích phục hồi. “Tuy rủi ro theo hướng suy giảm đã gia tăng nhưng các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5%-7% từ năm 2022 trở đi”, ông Rahul Kitchlu nhấn mạnh.
Cũng trong báo cáo của Ngân hàng Thế giơi, Chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam Jacques Morisset cho rằng, công nghệ số chính là tương lai của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam đang nắm giữ vị thế tốt nhưng chưa đồng bộ để trở thành cường quốc về số hóa của thế giới.
Ông Morisset nhấn mạnh: “Do đó, để thu được nhiều lợi ích từ quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế, ngoài nâng cấp cơ sở hạ tầng, Việt Nam cần khuyến khích áp dụng công nghệ số và thu hút đầu tư để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ tham gia vào kinh tế số, tiếp thu và phát triển kỹ năng, bảo mật dữ liệu cá nhân và an ninh mạng”.
Giavang.net