Số liệu do Bloomberg tổng hợp từ báo cáo hàng ngày trên sàn giao dịch Moskva cho thấy trong tháng 2, lần đầu tiên khối lượng giao dịch nhân dân tệ đã vượt USD. Trước chiến sự, lượng nhân dân tệ giao dịch tại thị trường Nga là không đáng kể.
Xu hướng chuyển đổi này được đưa ra sau khi các biện pháp trừng phạt bổ sung trong năm nay ảnh hưởng đến một số ngân hàng ở Nga trong bối cảnh vẫn tiếp tục thực hiện chuyển khoản xuyên biên giới bằng đô la và các loại tiền tệ khác của các quốc gia bị Nga xem là “không thân thiện”.
Năm nay, phương Tây áp thêm nhiều lệnh trừng phạt lên hệ thống tài chính Nga. Việc này tác động đến một số ngân hàng ở Nga vẫn cho phép trao đổi tiền tệ các nước mà Điện Kremlin cho là “không thân thiện”. Raiffeisen Bank International là một trong các nhà băng có chi nhánh ở Nga vẫn còn hoạt động thanh toán quốc tế. Tuy nhiên, họ ngày càng chịu nhiều sức ép từ giới chức châu Âu và Mỹ.
Các lệnh trừng phạt nhắm vào hệ thống tài chính của Nga cũng buộc các công ty nước này chuyển giao dịch quốc tế từ USD và euro sang tiền tệ các quốc gia khác. Đầu năm nay, Bộ Tài chính Nga cho biết nhân dân tệ “đang ngày càng quan trọng” với quỹ đầu tư quốc gia nước này. Tỷ lệ nhân dân tệ tối đa họ có thể nắm giữ đã được nâng gấp đôi, lên 60%, từ tháng 12 năm ngoái.
Bộ Tài chính Nga cũng đã bắt đầu bán nhân dân tệ trong tháng 1 để ngăn thâm hụt ngân sách ngày càng nới rộng. Họ còn thường xuyên kêu gọi các doanh nghiệp và người dân chuyển tài sản sang ruble hoặc các tiền tệ ‘thân thiện” để tránh rủi ro bị phong tỏa.
Hiện đồng USD vẫn là một trong những loại tiền tệ phổ biến nhất và vẫn đóng vai trò quan trọng trong thương mại thế giới. Tuy nhiên, việc giảm thị phần ở Nga có thể gây ra những hậu quả lâu dài đối với vị thế của USD trên thế giới.
Nga thắt chặt quan hệ với Trung Quốc từ tháng 2/2022 – thời điểm họ mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tháng 3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Moskva trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên từ khi tái đắc cử. Ông Tập cam kết tăng hợp tác với Nga trong thương mại, đầu tư, chuỗi cung ứng, năng lượng và công nghệ cao.
Nhân dân tệ đang ngày càng phổ biến tại Nga. Tuy nhiên, chính sách kiểm soát vốn của Trung Quốc, cũng như lo ngại rủi ro địa chính trị vẫn là rào cản trong tham vọng quốc tế hóa đồng tiền này của Bắc Kinh.
Dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy phân bổ dự trữ ngoại hối toàn cầu bằng đồng nhân dân tệ chiếm khoảng 2,7% tổng số tiền vào cuối năm ngoái, giảm so với mức đỉnh 2,9% trong quý I/2022.
Iskander Lutsko, chiến lược gia tại ITI London cho biết: “Giờ đây, có ít đồng đô la hơn trên thị trường vì doanh thu của Nga giảm do giá dầu và xuất khẩu giảm. Đồng thời, nhập khẩu hàng hóa từ Nga sang Trung Quốc tăng 29%, mặc dù xuất khẩu từ Trung Quốc đang đình trệ”.
Giavang.net