Hôm 15/11, Ba Lan cho biết một tên lửa do Nga sản xuất đã giết chết hai người sau khi rơi xuống một ngôi làng cách biên giới của nước này và Ukraine khoảng 6 km.
Ba Lan hiện đang là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Mỹ và các đồng minh đang điều tra những báo cáo chưa được xác thực về việc vụ nổ là do một tên lửa đi lạc của Nga.
Vụ nổ làm dấy lên lo ngại về xung đột Ukraine lan rộng. Bộ Quốc phòng Nga đã phủ nhận mọi sự liên quan. Bất cứ động thái nào của NATO đều yêu cầu sự kiểm chứng sự thật rõ ràng và tránh leo thang căng thẳng. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tuyên bố rằng hiện vẫn chưa rõ ai là người phóng tên lửa gây ra vụ nổ.
Cùng lúc đó, ông Duda nói nhiều khả năng Ba Lan sẽ viện dẫn Điều 4 trong Hiến chương NATO nhằm khởi động một cuộc thảo luận trong liên minh quân sự. Các đại sứ NATO sẽ họp khẩn vào sáng ngày 16/11 (theo giờ địa phương).
Điều 4 trong Hiến chương NATO
Theo Điều 4, các thành viên NATO có thể đưa ra bất kỳ quan ngại nào liên quan đến toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hoặc an ninh quốc gia để thảo luận trước khi liên minh có các động thái. Sau khi được kích hoạt và đem ra thảo luận giữa các đồng minh, Điều 4 có khả năng dẫn đến một quyết định hoặc hành động chung thay mặt cho NATO.
Tên lửa rơi xuống Ba Lan chưa chắc được bắn từ Nga
Theo hãng Sputniknews, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng chưa chắc quả tên lửa rơi xuống Ba Lan được phóng đi từ Nga, nếu xem xét quỹ đạo bay của nó.
Phát biểu đêm 15/11 khi được hỏi có quá sớm để kết luận tên lửa rơi ở Ba Lan được phóng từ Nga, ông Biden nói: “Có thông tin sơ bộ phản bác điều này. Tôi không muốn nói về nó cho đến khi chúng tôi điều tra toàn diện. Nhưng theo đánh giá về quỹ đạo bay của tên lửa thì nó chưa chắc được phóng đi từ Nga”.
Phát biểu sau cuộc họp với các đồng minh, ông Biden khẳng định sẽ ủng hộ Ba Lan trong cuộc điều tra “chính xác điều gì đã xảy ra” liên quan tới vụ tấn công tên lửa vào lãnh thổ nước này.
Trong khi đó, kênh CNN đưa tin người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định ông không có thông tin về vụ nổ ở Ba Lan.
Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh rằng không có vụ không kích nào nhằm vào các mục tiêu gần biên giới Ukraine – Ba Lan, trong khi những hình ảnh được công bố về một số mảnh vỡ không liên quan tới vũ khí Nga; tất cả những thông tin từ truyền thông về việc các “tên lửa Nga” rơi ở Ba Lan là hành động khiêu khích có chủ đích nhằm làm leo thang tình hình.
Đây không phải là lần đầu tiên kể từ khi Nga tấn công Ukraine mà các vật thể lạ xâm nhập vào không phận NATO. Hồi tháng 3, một máy bay không người lái do thám nặng 6 tấn đã lao qua Đông Âu và bị rơi ở thủ đô Zagreb của Croatia.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đang ngày càng chuyển sang tấn công bằng tên lửa khi quân đội của ông phải vật lộn trên bộ. Gần đây, binh lính Nga đã rút khỏi thành phố chiến lược Kherson ở miền nam Ukraine, đánh dấu một bước lùi trên chiến trường.
Hôm 15/11, Tổng thống Ukraine Volodymyz Zelensky cho biết Nga đã tấn công bằng tên lửa vào các cơ sở hạ tầng năng lượng, gây mất điện cho một bộ phận lớn người dân Ukraine.
Giavang.net