Tóm tắt
- Kết thúc phiên cuối tuần tăng/giảm loạn xạ, vàng miếng chốt tuần ở mức 70,7-71 triệu đồng.
- Cả tuần tăng tới 1,5 triệu đồng, mua vàng miếng tuần này chỉ lãi nhẹ do chênh lệch mua – bán tăng “phi mã”.
- Vàng nhẫn “lẻ bóng” trong tuần này khi có đà tăng khiêm tốn nhất.
- Vàng thế giới tăng hơn 5%, giá sau quy đổi tăng hơn 3 triệu đồng/lượng, chênh lệch với vàng trong nước giảm hơn 2 triệu đồng.
Nội dung
Kết thúc tuần này, giá vàng thế giới dừng chân tại ngưỡng 1.932,6 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá trên thị trường tự do (24.620 VND/USD) giá vàng đứng tại 58,03 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí), tăng 3,2 triệu đồng/lượng so với giá chốt cuối tuần trước. Cuối tuần trước, giá vàng thế giới sau quy đổi giao dịch tại 54,85 triệu đồng với tỷ giá ở mức 24.550 VND/USD.
Giá vàng thế giới tăng bùng nổ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi căng thẳng leo thang ở Trung Đông thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến với các tài sản an toàn. Tính trong cả tuần, giá vàng tăng gần 100 USD (khoảng 5,2%) và khép lại tuần tăng giá mạnh nhất trong 7 tháng.
Giới đầu tư đang dõi theo các diễn biến của cuộc xung đột vũ trang giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine ở dải Gaza. Chiến sự bùng lên từ cuối tuần trước sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel đã khiến thị trường tài chính toàn cầu bất an.
Israel ngày thứ Sáu tuyên bố bộ binh và xe tăng của nước này đã tiến hành các cuộc đột kích vào Gaza, đánh dấu tuyên bố đầu tiên của nước này về dịch chuyển từ chiến tranh trên không sang chiến tranh trên bộ. Diễn biến này thúc đẩy nhà đầu tư mua mạnh các tài sản an toàn như trái phiếu kho bạc Mỹ và vàng.
Do giá trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, lợi suất giảm xuống, hỗ trợ thêm cho giá vàng vì xu hướng tăng của lợi suất trong thời gian gần đây đã gây áp lực giảm lên giá vàng. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm giảm khoảng 9 điểm cơ bản, còn 4,62%. Lợi suất của kỳ hạn 2 năm giảm 1 điểm cơ bản, còn 5,05%.
“Nhà đầu tư đang đổ xô mua các tài sản an toàn vì căng thẳng ở Trung Đông gia tăng”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của công ty phân tích và dữ liệu Oanda nhận định. “Nếu tình hình địa chính trị xấu thêm, có khả năng giá vàng sẽ lên mức 2.000 USD/ounce trong năm nay. Giá đã tăng nhanh từ 1.800 USD lên hơn 1.900 USD chỉ trong một thời gian ngắn. Mốc 2.000 USD là trong tầm tay”.
Các báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 của Mỹ công bố trong tuần này cho thấy lạm phát tiếp tục nhưng giảm chậm và còn cao hơn so với dự báo. Điều này ít nhiều gây áp lực giảm lên giá vàng vì củng cố khả năng Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn, dù thị trường cho rằng Fed sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11.
“Dù các báo cáo lạm phát có hơi nóng hơn kỳ vọng, thị trường đang đặt cược chủ yếu vào khả năng Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 11. Điều này có lợi cho giá vàng, bên cạnh cuộc xung đột ở Trung Đông“, chuyên gia David Meger của công ty High Ridge Futures phát biểu.
Dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME cho thấy các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 69% Fed giữ nguyên lãi suất trong năm nay.
Vàng miếng SJC có một ngày cuối tuần đầy biến động
Các phiên trong tuần, giá vàng miếng từng bước đi lên theo xu hướng tăng của giá vàng thế giới, và phiên cuối tuần 14/10 cũng vậy. Vàng miếng SJC tăng bùng nổ trong phiên cuối tuần với mức tăng lên tới 1,4 triệu đồng/lượng chỉ sau 1 đêm khi giá vàng thế giới leo lên trên mốc 1.930 USD, đưa giao dịch lên mức 71,6 triệu đồng ngay thời điểm mở cửa.
Tuy nhiên chỉ sau ít phút, giá vàng miếng đã bất ngờ điều chỉnh với mức giảm lên tới 700.000 đồng mỗi lượng, giao dịch bị đẩy về quanh mốc 71 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, sau khi đã giảm về mốc 71 triệu đồng, giá vàng miếng của SJC tiếp tục suy yếu về cuối ngày và chốt phiên cuối tuần dưới mốc 71 triệu đồng, tăng 900.000 đến 1,2 triệu đồng so với phiên đầu tuần
Cụ thể, giá vàng miếng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chốt phiên cuối tuần 14/10 ở mốc 69,70 – 70,70 triệu đồng/lượng, tăng 900.000 đồng/lượng chiều mua và 1,2 triệu đồng/lượng chiều bán so với giá mở cửa phiên đầu tuần 9/10.
Tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, giá mua – bán của vàng miếng chốt phiên 14/10 ở mốc 69,75 – 70,68 triệu đồng/lượng, tăng 930.000 đồng/lượng chiều mua, 1,2 triệu đồng/lượng chiều bán so với phiên đầu tuần 9/10.
Vẫn giữ được mốc 71 triệu đồng, giá vàng tại DOJI Hà Nội chốt tuần tại 69,60 – 71,00 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 900.000 đồng/lượng giá mua và 1,5 triệu đồng/lượng giá bán so với mở cửa đầu tuần.
Trong khi giá mua tăng chưa tới 1 triệu đồng/lượng thì giá bán lại tăng từ 1,2-1,5 triệu đồng/lượng, khiến cho chênh lệch mua – bán bị đẩy lên cao, hiện ở ngưỡng 1-1,4 triệu đồng. Do vậy, nếu mua vàng miếng từ đầu tuần tới cuối tuần sẽ lãi khoảng 100.000 đồng đến gần 300.000 đồng tại các thương hiệu được cập nhật ở trên.
Lý giải cho hiện tượng “loạn giá” của vàng miếng trong phiên cuối tuần, là do giá vàng tăng cao vào buổi sáng khiến lượng khách đến các cửa hàng vàng lớn tại Hà Nội để chốt lời. Phần lớn khách đến bán vàng để chốt lời, nhân cơ hội lúc giá vàng tăng mạnh. Nhưng cũng không ít người mạo hiểm lựa chọn mua vàng để tích trữ, vì tin giá kim loại quý sẽ tiếp tục tăng.
“Ở mức giá cao 70-71 triệu đồng/lượng, thậm chí là vùng 71,6 triệu đồng/lượng trong buổi sáng, đã xuất hiện lực bán ra chốt lời nhiều hơn. Diễn biến này khiến giá vàng SJC giảm nhanh trong buổi chiều”, chuyên gia cho biết.
Vàng nhẫn tăng mạnh nhưng mua vẫn lỗ
Với sóng tăng mạnh diễn ra trên thị trường vàng, mặt hàng vàng nhẫn cũng có phản ứng đầy tích cực. Cụ thể, giá vàng nhẫn SJC 9999 chốt tuần tại mốc 57,10 – 58,15 triệu đồng/lượng (MV – BR), tăng 1,15 triệu đồng/lượng cả hai chiều mua – bán so với mở cửa phiên đầu tuần.
Giá nhẫn tại BTMC và DOJI có mức tăng khoảng 600-750.000 đồng/lượng trong tuần này và chốt tuần ở mức 57,08 – 58,03 triệu đồng/lượng (MV – BR) tại BTMC, tại DOJI giá vàng nhẫn chốt ở mức 57,00 – 57,90 triệu đồng/lượng (MV – BR).
Với chênh lệch mua – bán neo quanh ngưỡng 1 triệu đồng, mua vàng nhẫn trong tuần này lỗ khoảng 200-300.000 đồng/lượng, nơi có lãi cũng chỉ ghi nhận mức lời khiêm tốn 100.000 đồng mỗi lượng.
Dù từ trước tới nay vàng nhẫn vẫn thường là mặt hàng bám sát theo những biến động của giá vàng thế giới, nhưng trong tuần này thì vàng miếng lại có những điều chỉnh sát theo vàng thế giới hơn là vàng nhẫn.
Theo nhận định của chúng tôi, diễn biến này có thể là do liên qua tới khoảng cách chênh lệch giữa hai chiều mua – bán. Tại các phiên đầu tuần, khi thị trường vàng trong nước có những nhịp điều chỉnh tăng mạnh theo giá vàng thế giới thì giá vàng miếng vẫn giữ chênh lệch mua – bán dưới mốc 1 triệu đồng, trong khi giá vàng nhẫn neo mức chênh mua – bán quanh mốc 1 triệu đồng, thậm chí còn có nơi giữ trên 1 triệu đồng, do vậy mà nhà đầu tư sẽ tập trung vào mặt hàng nào có mức chênh lệch mua – bán thấp hơn để hạn chế rủi ro.
Nguồn cung khan hiếm mà nhu cầu lại tăng mạnh, cùng với việc nhiều người có động thái chốt lời khi giá vàng miếng lên cao, các doanh nghiệp vàng đã đẩy chênh lệch mua – bán của mặt hàng kim loại quý này tăng vọt lên 1,4-1,5 triệu đồng trong phiên cuối tuần.
Chênh lệch nội – ngoại sụt giảm tới hơn 2 triệu đồng
Động thái rút lui khỏi mức giá 71,6 triệu đồng được thiết lập đầu giờ sáng ngày cuối tuần đã khiến giá vàng miếng thu hẹp mạnh khoảng cách chênh lệch với vàng thế giới vể mốc 13 triệu đồng, giảm 1,4 triệu đồng so với cuối tuần trước.
Vàng nhẫn mới là mặt hàng có sự điều chỉnh mạnh mức chênh với giá vàng thế giới. Với giá trên 58 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn hiện chỉ cao hơn vàng thế giới hơn 100.000 đồng, giảm tới 2,3 triệu đồng so với mức 2,4 triệu đồng cuối tuần trước.
Dù vậy, với những người “yêu vàng” và có thói quen tích trữ dài hạn thì vàng nhẫn vẫn là tài sản đáng để đầu tư khi luôn giữ mức chênh lệch tương đối thấp với giá vàng thế giới, trong khi vàng miếng vẫn có mức giá “một mình một chợ”.
Trong thời gian tới, khi xung đột tại Trung Đông đang có nguy cơ lan rộng, vàng – tài sản trú ẩn an toàn sẽ tiếp tục được mua mạnh. Bên cạnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đã hoàn thành quá trình tăng lãi suất và bắt đầu hành trình hạ lãi suất vào năm 2024, chính là động lực để thúc đẩy cho đà tăng của giá vàng.
Vàng – tài sản không mang lợi suất, sẽ gặp khó khăn trong môi trường lãi suất cao.
Giavang.net