(GVNET) Các tin quan trọng được công bố trong ngày 3/7
- Mỹ: Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần tăng lên 238 nghìn – cao hơn dự báo là 234 nghìn.
- Mỹ: Báo cáo bảng lương tư nhân ADP tháng 6 đạt 150 nghìn – thấp hơn dự báo là 163 nghìn.
- Mỹ: Cán cân mậu dịch tháng 5 thâm hụt 75,1 tỷ USD, tốt hơn dự báo là thâm hụt 76,3 tỷ USD.
- Mỹ: Chỉ số PMI dịch vụ tháng 6 đạt 55,3 – cao hơn dự báo là 55,1.
- Mỹ: Chỉ số PMI phi sản xuất của ISM tháng 6 đạt 48,8 – tệ hơn dự báo là 52,6.
- Mỹ; Chỉ số giá phi sản xuất của ISM tháng 6 đạt 56,3 – thấp hơn dự báo là 56,7.
Cặp đôi S&P 500 và Nasdaq liên tục phá đỉnh mới nhờ Tesla và Nvidia
Thị trường chứng khoán Mỹ mở phiên quanh vùng tham chiếu và bắt đầu có sự phân hóa sau vài tiếng giao dịch. Cổ phiếu công nghệ giúp cặp đôi S&P 500 và Nasdaq tăng mạnh trong khi Dow Jones lại đóng cửa trong sắc đỏ nhẹ.
Cụ thể, đóng phiên giao dịch ngày thứ Tư ngày 3/7, chỉ số S&P 500 tiến 0,51% lên 5.537,02 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 0,88% lên 18.188,30 điểm, khi các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn như Tesla và Nvidia bật tăng. Cả 2 chỉ số này đều chạm mức cao mọi thời đại mới trong phiên và đóng cửa ở mức cao kỷ lục.
Ở chiều ngược lại, chỉ số Dow Jones mất 23,85 điểm (tương đương 0,06%) còn 39.308,00 điểm do cổ phiếu UnitedHealth sụt 1,7%.
Đà tăng lan tỏa trên S&P 500 với 7 nhóm ngành tăng giá, dẫn dầu là Công nghệ (+1,48%). Ở chiều giảm, cổ phiếu Y tế mất 0,73% còn các ngành Bất động sản, Tài chính và Tiêu dùng thiết yếu đi xuống không đáng kể.
Tỷ giá
Chỉ số đồng đô la DXY neo quanh 105,3 sau khi chạm mức thấp nhất trong 3 tuần trong phiên, do bị ảnh hưởng bởi dữ liệu kinh tế yếu kém của Hoa Kỳ đã củng cố đặt cược vào việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang trong năm nay.
Dữ liệu hôm thứ Tư cho thấy hoạt động dịch vụ của Mỹ bất ngờ giảm trong tháng 6, trong khi tăng trưởng việc làm tư nhân không đạt dự báo do dấu hiệu nền kinh tế đang chậm lại. Trong khi đó, biên bản cuộc họp chính sách tháng 6 của Fed tiết lộ rằng các thành viên có sự chia rẽ về việc họ nên duy trì lãi suất cuối cùng trong bao lâu, đồng thời đồng ý rằng không nên vội vàng cắt giảm lãi suất.
Các thị trường hiện nhìn thấy khoảng 68% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9, tăng đáng kể so với khoảng 56% một tuần trước.
Đồng đô la suy yếu trên diện rộng nhưng vẫn ở gần mức cao nhất trong 38 năm so với đồng yên.
Giá dầu tăng 1%
Giá dầu tăng khoảng 1% vào thứ Tư sau khi dự trữ dầu thô của Mỹ sụt giảm nhiều hơn dự kiến, nhưng mức tăng bị hạn chế do lo ngại về tồn kho toàn cầu tăng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 03/07, hợp đồng dầu WTI tiến 1,07USD (tương đương 1,29%) lên 83,88 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent cộng 1,10 USD (tương đương 1,28%) lên 87,34 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo lượng dầu thô dự trữ trong kho của nước này giảm 12,2 triệu thùng vào tuần trước, lớn hơn kỳ vọng của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters (là giảm 680.000 thùng).
Dòng tiền lớn trở lại, vàng tăng lên đỉnh 2 tuần
Giá vàng tăng hơn 1% lên mức cao nhất gần hai tuần vào thứ Tư, do thị trường gia tăng đặt cược vào việc Cục Dự trữ Liên bang sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 sau khi dữ liệu gần đây của Mỹ cho thấy thị trường lao động đang yếu đi.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 03/07, hợp đồng vàng giao ngay tiến 1,4% lên $2362,32/oz. Hợp đồng vàng tương lai cộng 1,7% lên $2372,40/oz.
Quỹ SPDR Gold Trust tiếp tục gom mua 1,43 tấn vàng trong ngày 3/7. Lượng vàng nắm giữ của quỹ giảm tăng lên 834,8 tấn. Như vậy, quỹ đã mua hơn 7 tấn vàng trong 2 ngày qua.
Kết luận
Các dữ liệu kinh tế Mỹ được công bố ngay trước thềm nghỉ lễ Quốc Khánh cho thấy thị trường lao động nước này tệ hơn dự báo, thúc đẩy tiềm năng Fed hạ lãi suất sớm trong tháng 9. Dòng tiền có xu hướng trở lại vàng khi nhà đầu tư tìm tới nơi trú ẩn trước bầu cử Mỹ và kì vọng lãi suất toàn cầu thấp hơn. Phiên hôm nay thanh khoản thị trường sẽ giảm khi nhà đầu tư Mỹ nghỉ lễ, tuy nhiên, vẫn cần chú ý các tin tức về Tổng tuyển cử Anh và bài phát biểu của các quan chức ECB.
Giavang.net