(GVNET) – AUDIO
Các tin tức quan trọng công bố trong ngày 24/4
- Mỹ: Đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền tháng 3 tăng 2,6% hàng tháng – cao hơn dự báo là 2,5%.
- Mỹ: Đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền lõi tháng 3 tăng 0,2% hàng tháng – thấp hơn dự báo là 0,3%.
- Canada: Doanh số bán lẻ tháng 2 giảm 0,1% hàng tháng – trái ngược dự báo tăng 0,1%.
- Canada: Doanh số bán lẻ lõi tháng 2 giảm 0,3% hàng tháng – tệ hơn dự báo là 0%.
Phố Wall ghi nhận một mùa báo cáo kết quả kinh doanh tích cực
Thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận báo cáo kết quả kinh doanh của nhiều công ty vẫn vượt xa ước tính. Hiện đã có 25% doanh nghiệp thuộc S&P 500 công bố báo cáo tài chính, trong đó 79% vượt qua dự báo về lợi nhuận, theo dữ liệu từ FactSet.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư ngày 24/04, chỉ số S&P 500 nhích 0,02% lên 5.071,63 điểm. Cùng chiều, chỉ số Nasdaq Composite tiến 0,1% lên 15.712,75 điểm.
Trong khi đó, chỉ số Dow Jones mất 42,77 điểm (tương đương 0,11%) còn 38,460.92 điểm.
Thị trường ghi nhận sự phân hóa cực kì rõ rệt, với 7/11 nhóm ngành S&P 500 tăng điểm, dẫn đầu là Tiêu dùng thiết yếu (+7,43%); Tiêu dùng không thiết yếu (+6,98%). Ở chiều ngược lại, cổ phiếu Công nghệ sụt 8,23% và ngành Y tế lao dốc 4,14% gây áp lực lên chỉ số.
Tỷ giá
Chỉ số đồng đô la DXY tăng lên 105,8 vào thứ Tư sau khi giảm 0,4% trong phiên 23/4, khi các nhà đầu tư phân tích cẩn thận dữ liệu kinh tế gần đây nhất và háo hức chờ đợi dữ liệu GDP của Mỹ được công bố vào thứ Năm và báo cáo chỉ số giá PCE ưa thích của Fed vào thứ Sáu tới hiểu rõ hơn về triển vọng chính sách tiền tệ.
Đơn đặt hàng lâu bền đã vượt kỳ vọng trong tháng 3, trong khi dữ liệu S&P chỉ ra rằng tăng trưởng của khu vực tư nhân Mỹ đang bắt đầu chậm lại. Tăng trưởng kinh doanh của Mỹ đã giảm tốc, chỉ tăng nhẹ trong tháng 4 khi các hoạt động sản xuất và dịch vụ giảm bớt.
Đồng đô la Úc mạnh lên so với đồng đô la Mỹ do dữ liệu lạm phát tốt hơn dự đoán của Úc đã làm tăng kỳ vọng rằng Ngân hàng Dự trữ Úc sẽ không hạ lãi suất trong tương lai gần.
Dầu thô đi xuống dù dự trữ giảm sâu
Thị trường năng lượng giảm nhẹ khi đồng USD tăng giá bất chấp tin dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/04, hợp đồng dầu WTI lùi 55 xu (tương đương 0,66%) xuống 82,81 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent mất 40 xu (tương đương 0,45%) còn 88,02 USD/thùng.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô thương mại tại Mỹ, không bao gồm dự trữ xăng dầu chiến lược, đã sụt 6,4 triệu thùng trong tuần trước, mức giảm lớn nhất kể từ giữa tháng 1/2024.
Và Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày thứ Tư đã ký một gói viện trợ nước ngoài nhằm mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với ngành dầu mỏ Iran bằng cách nhắm mục tiêu vào các cảng, tàu và nhà máy lọc dầu cố tình chấp nhận xuất khẩu dầu thô của Iran.
Theo luật, ông Biden có thể miễn trừ các biện pháp trừng phạt vì lý do an ninh quốc gia, điều này có khả năng hạn chế tác động đến thị trường dầu mỏ.
Vàng chững lại chờ tin PCE
Giá vàng duy tri vững sau khi chạm mức thấp nhất hơn 2 tuần, do giảm bớt lo ngại về căng thẳng tại Trung Đông leo thang, khi các nhà đầu tư chờ đợi số liệu kinh tế quan trọng, để biết rõ hơn về lộ trình cắt giảm lãi suất của Mỹ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/04, hợp đồng vàng giao ngay tiến 0,1% lên $2323,92/oz, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 05/04 trong phiên trước đó.
Hợp đồng vàng tương lai mất 0,2% còn $2336,90/oz.
Quỹ tín thác vàng hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust giữ nguyên lượng vàng nắm giữ ở mốc 833,63 tấn trong phiên 24/4.
Kết luận
Lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm tăng, có khả năng tiếp cận mốc 5% trong ngắn hạn khiến thị trường vàng – chứng khoán gặp nhiều khó khăn. Phiên hôm nay nhà đầu tư sẽ bám sát dữ liệu GDP quý I, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu và chờ đợi tin tức lạm phát ưa thích của Fed – PCE được công bố vào ngày mai. Đây là những thông tin có tầm ảnh hưởng lớn tới thị trường, cung cấp những manh mối mới về triển vọng chính sách tiền tệ Mỹ trong tương lai.
Giavang.net