32 C
Hanoi
18/05/2024
Image default
Tin tức thị trường 24/7

VIP Tin 24/7: Tuần 7-12/8: SJC bật tăng, vàng nhẫn giảm mạnh khi vàng thế giới ‘bốc hơi’ gần 1 triệu đồng

Tóm tắt

  • Vàng thế giới chốt tuần dưới 55,5 triệu đồng, giảm hơn 900.000 đồng so với cuối tuần trước.
  • Ngược chiều thế giới, SJC ghi nhận tuần tăng thứ 3 liên tiếp.
  • Vàng nhẫn tiêu cực với mức giảm gần 300.000 đồng mỗi lượng.
  • Chênh lệch giữa hai thị trường tăng mạnh – lên ngưỡng cao nhất 40 ngày.

Nội dung

Giá vàng thế giới

Giá vàng thế giới chốt tuần tại ngưỡng 1.913 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá trên thị trường tự do (23.770 VND/USD) giá vàng đứng tại 55,46 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí). Cuối tuần trước, giá vàng thế giới sau quy đổi giao dịch tại 56,37 triệu đồng/lượng, với tỷ giá ở mức 23.800 VND/USD. So với cuối tuần trước, giá vàng thế giới sau quy đổi giảm sốc hơn 900.000 đồng/lượng.

Biến động giá vàng thế giới trong tuần này

Vàng thế giới giảm khoảng 1,2% trong tuần này – tuần giảm mạnh nhất trong gần 2 tháng qua, về ngưỡng thấp nhất 1 tháng, dưới áp lực từ xu hướng tăng của tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác chốt phiên ngày thứ Sáu với mức tăng hơn 0,3%, đạt 102,85 điểm – theo dữ liệu từ trang MarketWatch. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ chốt tuần ở mức gần 4,16%, từ mức 4,12% của phiên trước.

Số liệu công bố hôm thứ Năm tuần này cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng yếu hơn dự báo trong tháng 7. Chỉ số CPI lõi tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, một mức tăng còn cao so với mục tiêu lạm phát 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhưng là mức tăng thấp nhất trong vòng gần 2 năm.

Tiếp đó, báo cáo công bố hôm thứ Sáu khiến bức tranh lạm phát ở Mỹ thêm phần phức tạp, từ đó khiến triển vọng chính sách tiền tệ của Fed trở nên bấp bênh hơn. Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tăng 0,3% so với tháng trước, cao hơn so với mức tăng 0,2% mà giới phân tích đưa ra trước đó.

Giới phân tích cho rằng với lạm phát toàn phần dịu đi nhưng lạm phát lõi còn dai dẳng, Fed có thể sớm kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ nhưng sẽ không sớm chuyển sang cắt giảm lãi suất. Thị trường hiện gần như tin chắc rằng Fed sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9, nhưng chưa thể loại trừ khả năng Fed không tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11.

Các chuyên gia cho rằng, vàng khó có thể tìm được động lực tăng giá trong môi trường hiện tại. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, nhu cầu của các ngân hàng trung ương với vàng vẫn rất tốt và sẽ không biến mất một sớm một chiều. Điều này sẽ kìm hãm đà rớt giá của vàng trong môi trường khó khăn hiện tại.

Theo nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya tại OANDA, vàng có rất nhiều sự cạnh tranh với tư cách là một tài sản trú ẩn an toàn. Mối quan tâm dài hạn đối với vàng là có, nhưng vàng sẽ gặp khó khăn cho đến khi chúng ta thấy một sự kiện rủi ro thị trường.

Ông Ole Hansen – người đứng đầu bộ phận Chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo cho rằng, với nền kinh tế Mỹ vẫn khá kiên cường trước các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Fed, các nhà đầu tư không cần phải vội vàng mua vàng. Thị trường vàng đang chờ động lực kích hoạt phù hợp, có thể mất một thời gian.

Giá vàng trong nước

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC chốt giá mua – bán của vàng miếng trong ngày cuối tuần (12/8) tại mốc 66,80 – 67,50 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua và 200.000 đồng/lượng chiều bán so với giá mở cửa phiên đầu tuần (7/8). Chênh lệch mua – bán tương đương với cuối tuần trước – mức 700.000 đồng.

Tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, giá mua – bán của vàng miếng chốt phiên cuối tuần ở mức 66,90 – 67,50 triệu đồng/lượng, tăng lần lượt 200.000 và 220.000 đồng/lượng mua vào – bán ra so với giá mở cửa phiên đầu tuần.

Biến động giá vàng miếng SJC trong tuần này

Trong khi vàng miếng “tỏa sáng” thì vàng nhẫn có xu hướng giảm mạnh theo diễn biến tiêu cực của giá vàng thế giới. Cụ thể, nhẫn SJC 9999 chốt phiên cuối tuần tại mốc 55,85 – 56,80 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 200.000 đồng/lượng chiều mua và 250.000 đồng/lượng chiều bán so với mở cửa phiên đầu tuần. Chênh lệch mua – bán giảm nhẹ về 950.000 đồng, từ mức 1 triệu đồng cuối tuần trước.

Tương tự, nhẫn tròn trơn 9999 tại Công ty Bảo Tín Minh Châu chốt giá mua – bán trong phiên cuối tuần ở mức 56,16 – 57,01 triệu đồng/lượng, giảm 220.000 đồng/lượng mua vào và bán ra so với giá mở cửa phiên đầu tuần.

Biến động giá vàng nhẫn trong tuần này

Tăng lên 67,5 triệu đồng/lượng, SJC đạt ngưỡng cao nhất kể từ ngày 20/3. Với mức giá này, SJC hiện cao hơn vàng thế giới 12 triệu đồng, tăng hơn 1 triệu đồng so với mức 10,9 triệu đồng cuối tuần trước. Đây là khoảng cách chênh lệch cao nhất giữa SJC và vàng thế giới kể từ ngày 1/7.

Giảm gần 300.000 đồng/lượng, đà giảm của vàng nhẫn vẫn khá khiêm tốn so với giá vàng thế giới, khiến mức chênh giữa hai mặt hàng này cũng bị nới rộng. Cụ thể, vàng nhẫn hiện cao hơn vàng thế giới 1,5 triệu đồng, tăng xấp xỉ 700.000 đồng so với mức 810.000 đồng cuối tuần trước. 1,5 triệu đồng cũng là mức chênh cao nhất giữa vàng nhẫn và vàng thế giới kể từ ngày 1/7.

Vàng miếng SJC đang cao hơn nhẫn SJC 10,7 triệu đồng, tăng 400.000 đồng so với mức chênh cuối tuần trước và là mức chênh cao nhất của hai kim loại quý này kể từ ngày 13/7.

Với biên độ mua – bán ở ngưỡng 700.000 đồng của SJC và 1 triệu đồng của vàng nhẫn thì dù SJC tăng hay vàng nhẫn giảm, nhà đầu tư mua vàng trong tuần này đều chưa thể có lãi, trừ khi mức tăng phải lớn hơn mức chênh giữa giá mua và giá bán của các thương hiệu niêm yết.

Dù có diễn biến trái chiều nhưng thị trường vàng trong nước nhìn chung vẫn có sự điều chỉnh theo xu hướng biến động của giá vàng thế giới. Trong ngắn hạn, giá vàng thế giới vẫn chịu áp lực trong môi trường lãi suất cao như hiện tại thì giá vàng trong nước cũng khó có có hội bứt phá mạnh. Về dài hạn, thị trường vàng thế giới được dự báo sẽ có nhiều cơ hội để “tỏa sáng” , khi đó giá vàng trong nước cũng sẽ có những bước tiến tích cực hơn.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....