28 C
Hanoi
05/05/2024
Image default
Tin tức thị trường 24/7

VIP Tin 24/7: Tuần 23-28/10: Tăng cả triệu đồng, vàng nhẫn bứt tốc lên đỉnh cao nhất mọi thời đại; Vàng miếng ‘èo uột’ dù chạm mốc 71 triệu đồng

  • Vàng thế giới ghi nhận tuần tăng thứ 3 liên tiếp khi xung đột Trung Đông leo thang.
  • Vượt 2.000 USD, giá sau quy đổi cán mốc 60 triệu đồng, tăng gần 1 triệu đồng so với cuối tuần trước.
  • Vàng miếng tăng chưa tới 300.000 đồng trong tuần này, chênh lệch với vàng nhẫn và vàng thế giới tiếp tục sụt giảm.
  • Vàng nhẫn tăng phi mã lên đỉnh cao lịch sử, vẫn rẻ hơn vàng thế giới vài trăm nghìn đồng.

Nội dung chi tiết

Giá vàng thế giới chốt tuần tại ngưỡng 2.006 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá trên thị trường tự do (24.600 VND/USD) giá vàng đứng tại 60,18 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí), tăng hơn 700.000 đồng/lượng so với mở cửa phiên đầu tuần và tăng 800.000 đồng/lượng so với giá chốt cuối tuần trước. Cuối tuần trước, giá vàng thế giới sau quy đổi giao dịch tại 59,50 triệu đồng với tỷ giá ở mức 24.630 VND/USD.

Biểu đồ giá vàng thế giới

Giằng co từ đầu tuần tới gần hết tuần, giá vàng thế giới bất ngờ bật tăng mạnh vào phiên cuối tuần để đưa giao dịch vượt ngưỡng 2.000 USD – mức cao nhất hơn 4 tháng. Cả tuần tăng khoảng 1,4% – vàng thế giới ghi nhận tuần tăng thứ 3 liên tiếp.

Giá vàng tăng mạnh nhờ nhu cầu phòng ngừa rủi ro địa chính trị ở Trung Đông và trong bối cảnh nhà đầu tư đợi cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới.

Nhà giao dịch kim loại quý độc lập Tai Wong ở New York nói rằng giới đầu tư vẫn đang lo ngại về tình hình ở Trung Đông, và điều này tiếp tục hỗ trợ giá vàng. Kể từ khi cuộc chiến tranh giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine bùng nổ vào hôm 7/10, giá vàng thế giới đến nay đã tăng hơn 140 USD, tương đương tăng hơn 8%.

Ngày thứ Sáu, các lực lượng của Israel tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch ở Gaza bằng các cuộc không kích dữ dội và đụng độ trên bộ, trong khi lực lượng Hamas của Palestine tuyên bố sẽ đáp trả bằng tổng lực. Nhiều quốc gia, bao gồm các nước Arab, đã lên tiếng kêu gọi Israel hoãn kế hoạch tấn công đổ bộ nhằm vào Gaza vì lo ngại thương vong dân thường và nguy cơ chiến tranh lan rộng.

“Nếu có dấu hiệu căng thẳng leo thang hơn nữa, nhu cầu phòng ngừa rủi ro sẽ càng tăng… Ngoài ra, nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi tình hình lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ”, chiến lược gia Daniel Ghali của công ty TD Securities nhận định.

Phản ánh mối lo lãi suất cao hơn lâu hơn, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ có thời điểm lại vượt mốc nhạy cảm 5% trong tuần này, cao nhất trong 16 năm, trước khi kết thúc tuần ở mức 4,85%.

Ngày thứ Sáu, Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng. Báo cáo cho thấy PCE lõi tháng 9 tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, phù hợp với dự báo mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.

Tuy nhiên, chi tiêu dùng cá nhân của người Mỹ tăng 0,7% trong tháng 9, vượt mức dự báo tăng 0,5%, một dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát còn duy trì trong thời gian tới và Fed có thể phải giữ lãi suất cao hơn lâu hơn để đưa lạm phát về mục tiêu 2% một cách bền vững.

Trước đó, số liệu công bố vào hôm thứ Năm cho thấy nền kinh tế Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm 4,9% trong quý III, cao hơn dự báo của giới phân tích.

Các dữ liệu tăng trưởng và lạm phát này củng cố khả năng lãi suất cao hơn lâu hơn, từ đó đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD tăng, từ đó gây áp lực giảm lên giá vàng.

Cuộc họp chính sách tiền tệ sắp tới của Fed sẽ diễn ra vào ngày 31/10-1/11. Các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 98% Fed giữ nguyên lãi suất trong lần họp này.

Theo quan điểm của chúng tôi, Fed nhiều khả năng đã dừng chiến dịch tăng lãi suất, và điều này đã được phản ánh vào thị trường vàng”, ông Ghali nhận định.

Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa của Ngân hàng Saxo, cho rằng, mức đóng cửa trên 2.000 USD/ounce sẽ mở đường cho vàng chinh phục lại các mức cao kỷ lục được lập vào tháng 3/2022 và tháng 5 năm nay.

Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, cho biết kinh tế Mỹ ổn định có thể khiến Fed tiếp tục tăng lãi suất. Điều này tác động tiêu cực tới giá vàng

Theo Ruth Crowell, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Thị trường Vàng thỏi London (Anh) giá vàng nằm trong biên độ 1.850-2.000 USD trong suốt ba quý đầu năm 2023. Dù có điểm yếu vào cuối quý III nhưng giá kim loại quý vẫn ở mức tích cực trong năm.

Vàng nhẫn thiết lập mức đỉnh lịch sử mới

Tăng 800.000 đồng/lượng chiều mua và 900.000 đồng/lượng chiều bán so với mở cửa phiên đầu tuần 23/10, vàng nhẫn SJC 9999 chốt tuần tại mốc 58,70 – 59,80 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Tại BTMC, vàng nhẫn bật tăng 1,05 triệu đồng/lượng giá mua và 1 triệu đồng giá bán so với mở cửa phiên đầu tuần, giá mua – bán chôt tuần tại 58,78 – 59,73 triệu đồng/lượng.

Nhẫn trơn 9999 PNJ chốt tuần tại 58,70 – 59,90 triệu đồng/lượng (MV – BR), tăng 750.000 đồng/lượng chiều mua, 1 triệu đồng/lượng chiều bán so với phiên đầu tuần.

Với mức tăng khoảng 850.000 đồng đến 1 triệu đồng/lượng trong cả tuần, vàng nhẫn tại DOJI VietNamGold chốt giá mua – bán trong phiên cuối tuần lần lượt là 58,85 – 59,85 triệu đồng/lượng và 58,73 – 59,88 triệu đồng/lượng.

Chênh lệch mua – bán của vàng nhẫn ổn định quanh ngưỡng 1 triệu đồng gần hết tuần, nhưng có xu hướng gia tăng khá mạnh trong phiên cuối tuần khi giá lên cao. Mức chênh lệch cao nhất của vàng nhẫn hiện là 1,2 triệu đồng tái PNJ – cũng là đơn vị neo mức giá nhân cao nhất 59,9 triệu đồng/lượng.

Biểu đồ vàng nhẫn

Vàng nhẫn xô đổ tất cả các kỷ lục trước đó để thiết lập một đỉnh lịch sử mới – sát mốc 60 triệu đồng/lượng. Với mức giá hiện tại, vàng nhẫn đang thấp hơn giá vàng thế giới 280.000 đồng, giảm nhẹ so với mức 300.000 đồng cuối tuần trước. Chênh lệch biến động không đáng kể, cho thấy giá vàng nhẫn vẫn đang có các nhịp điều chỉnh tương xứng với giá vàng thế giới.

Vàng miếng tiếp tục thu hẹp khoảng cách với vàng nhẫn và vàng thế giới

Trong khi vàng nhẫn tăng cả triệu đồng mỗi lượng thì vàng miếng chỉ tăng chưa tới 300.000 đồng mỗi lượng trong tuần này, khiến cho khoảng cách chênh lệch với vàng nhẫn và vàng thế giới tiếp tục giảm mạnh sau khi đã giảm hơn 1 triệu đồng cuối tuần trước.

Chốt tuần, giá vàng miếng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giao dịch mua – bán tại mốc 70,15 – 70,95 triệu đồng/lượng, giảm nhẹ so với mức 71 triệu đồng lúc mở cửa cùng ngày và tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua, 200.000 đồng/lượng chiều bán so với giá mở cửa phiên thứ Hai đầu tuần.

Tại BTMC, giá mua – bán chốt phiên cuối tuần tại 70,20 – 70,97 triêụ đồng/lượng, tăng 170.000 và 250.000 đồng/lượng chiều mua – bán so với mở cửa phiên đầu tuần.

Vẫn giữ được mốc 71 triệu đồng, giá vàng miếng tại DOJI Hà Nội cũng chỉ tăng 200.000 đồng trong cả tuần, giao dịch mua – bán chốt tuần tại mốc 70,10 – 71,00 triệu đồng/lượng.

Biểu đồ vàng miếng

Với mức giá 71 triệu đồng, vàng miếng hiện cao hơn vàng thế giới 10,8 triệu đồng, giảm 800.000 đồng so với 11,6 triệu đồng cuối tuần trước để đưa chênh lệch giữa hai thị trường lùi về tương đương với mức chênh lệch hồi đầu tháng 9.

Vàng miếng SJC hiện cao hơn vàng nhẫn SJC 11,15 triệu đồng – thấp nhất kể từ ngày 29/9, giảm 800.000 đồng so với cuối tuần trước.

Nhìn chung dù giảm mạnh, mức chênh trên 11 triệu đồng giữa vàng miếng và vàng thế giới vẫn còn rất cao so với mức chênh lệch giữa vàng nhẫn và vàng thế giới, do đó nhà đầu tư có thể cân nhắc mua vàng nhẫn thay vì vàng miếng để đầu tư. Tuy nhiên, với mức giá cao kỷ lục hiện tại, nhà đầu tư nên thận trọng khi quyết định mua vàng nhẫn ở thời điểm này, vì khi giá tăng cao thì các doanh nghiệp vàng thường có động thái đẩy cao chênh lệch mua – bán để tránh thiệt hại cho doanh nghiệp – gia tăng rủi ro cho nhà đầu tư.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....