Tóm tắt
- Tăng 1,5 triệu đồng/lượng trong tuần này, SJC đạt đỉnh gần 20 tháng, “lướt sóng” cũng lãi hơn 600.000 đồng.
- Từ đầu tuần 20/11 đến 25/11, vàng nhẫn mỗi ngày lại tạo một đỉnh mới và cao nhất là trên 62 triệu đồng.
- Đầu tư vàng nhẫn trong tuần này cũng lãi hơn 600.000 đồng một lượng.
- Vàng thế giới tăng hơn 1%, ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp.
- Chênh lệch giữa hai thị trường ghi nhận mức biến động lên tới tiền triệu.
Nội dung chi tiêt
Giá vàng thế giới chốt tuần tại ngưỡng 2.002 USD/ounce, sau quy đổi theo tỷ giá USD trên thị trường tự do (24.560 VND/USD) vàng thế giới đứng tại 59,96 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí), tăng 600.000 đồng so với mức giá 59,4 triệu đồng/lượng cuối tuần trước.
Giá vàng thế giới tăng hơn 1% trong tuần này, đánh dấu tuần tăng thứ hai liên tiếp. Trong phiên ngày thứ Sáu, giá vàng đương đầu với áp lực giảm khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng nhẹ. Tuy nhiên, đồng USD mất giá và kỳ vọng về một Fed bớt cứng rắn trong chính sách tiền tệ giúp giá vàng vượt qua ngưỡng chủ chốt 2.000 USD và duy trì mốc này cho tới khi đóng cửa.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 6 điểm cơ bản trong phiên ngày thứ Sáu, đạt 4,476%. Tuần này, có lúc lợi suất của kỳ hạn này giảm dưới 4,4%, từ mức hơn 5% vào đầu tháng.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD giảm 0,5%, đóng cửa ở mức 103,42 điểm – theo dữ liệu từ trang MarketWatch. Cả tuần, chỉ số giảm khoảng 0,5%, nâng tổng mức giảm trong 1 tháng qua lên gần 3%.
Chiến lược gia trưởng Phillip Streible của công ty Blue Line Futures nhận định đồng USD suy yếu do những số liệu kinh tế yếu đi của Mỹ dẫn tới kỳ vọng rằng Fed sẽ sớm chuyển sang một lập trường chính sách tiền tệ bớt cứng rắn. Ông Streible nhấn mạnh điều này sẽ có lợi cho giá vàng trong năm 2024.
Với quan điểm tương tự, một báo cáo của Commerzbank nhận định: “Loạt số liệu kinh tế Mỹ gần đây đều yếu hơn dự báo”. Ngân hàng Đức này cho rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất từ giữa năm 2024 và phải đến lúc đó giá vàng mới có thể tăng bền vững trên ngưỡng 2.000 USD.
Thị trường đang đặt cược gần như chắc chắn Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 12 và khả năng 50% Fed giảm lãi suất ngay từ tháng 5 – theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME.
“Chúng tôi không cho rằng giá vàng sẽ tăng mạnh hay giảm mạnh trong ngắn hạn từ nay cho tới đầu năm 2024, nhưng ngày càng chắc chắn là Fed trở nên sẵn sàng hơn cho việc cắt giảm lãi suất, thậm chí có thể giảm trước khi đạt được mục tiêu lạm phát 2%”, chiến lược gia trưởng Bart Melek của TD Securities nhận định.
Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, kênh đầu tư vốn không mang lợi suất.
Tăng gần 2 triệu đồng, “lướt sóng” vàng miếng và vàng nhẫn trong tuần này đều lãi đậm
Vàng miếng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chốt phiên cuối tuần 25/11 ở mức 71,30 – 72,30 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 1,25 triệu đồng/lượng chiều mua và 1,55 triệu đồng/lượng chiều bán so với mở cửa phiên đầu tuần 20/11 và sẽ lãi khoảng 550.000 đồng một lượng nếu mua đầu tuần và bán ra vào cuối tuần.
Tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, giá mua – bán của vàng miếng chốt tuần tại 71,35 – 72,23 triệu đồng/lượng, tăng gần 1,3 triệu đồng chiều mua và 1,5 triệu đồng/lượng chiều bán so với giá mở cửa phiên đầu tuần. Trừ đi khoản chênh lệch mua – bán, đầu tư vàng miếng tại BTMC sẽ lãi hơn 600.000 đồng một lượng.
DOJI Hà Nội chốt giá mua – bán trong phiên cuối tuần 25/11 ở mốc 71,20 – 72,30 triệu đồng/lượng, tăng 1,2 triệu đồng/lượng giá mua và 1,55 triệu đồng/lượng giá bán so với mở cửa đầu tuần 20/11. Nếu đầu tư sẽ lãi gần 500.000 đồng trong tuần này.
Còn với vàng nhẫn, nhẫn SJC 9999 chốt phiên cuối tuần tại 60,30 – 61,40 triệu đồng/lượng, tăng 1,2 triệu đồng/lượng mua vào và 1,3 triệu đồng/lượng bán ra so với mở cửa phiên đầu tuần, và sẽ lãi 200.000 đồng một lượng nếu đầu tư trong tuần này.
Nhẫn trơn Vàng Rồng Thăng Long BTMC có mức giá mua – bán chốt tuần tại mốc 60,98 – 61,98 triệu đồng/lượng, tăng 1,6 và 1,65 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra so với đầu tuần và ghi nhận mức lãi khoảng 650.000 đồng/lượng nếu đầu tư.
DOJI – nhẫn Hưng Thịnh Vượng 9999 chốt tuần tại 60,50 – 61,65 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 1,35 triệu đồng/lượng chiều mua và 1,55 triệu đồng/lượng chiều bán trong tuần này, và sẽ có mức lãi khoảng 400.000 đồng/lượng.
Với giá 72,3 triệu đồng/lượng, vàng miếng ghi nhận mức cao nhất trong năm 2023 và cao nhất kể từ ngày 10/3/2022. Mức giá này vẫn rẻ hơn hơn 2 triệu đồng so với đỉnh cao nhất mọi thời đại thiết lập ngày 8/3/2022 – mức 74,4 triệu đồng/lượng.
Vượt 72 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng thế giới sau quy đổi chỉ xấp xỉ 60 triệu đồng/lượng, vàng miếng SJC gia tăng chênh lệch giữa hai thị trường lên 12,3 triệu đồng từ mức 11,4 triệu đồng cuối tuần trước.
Vàng nhẫn mỗi ngày lại tạo một mức giá bất ngờ trong cả tuần này. Tổng hợp giá vàng nhẫn của BTMC (đơn vị đang niêm yết giá vàng nhẫn cao nhất ở thời điểm hiện tại) qua từng ngày từ 20/11-25/11/2023, để thấy sự thay đổi “leo thang” của giá vàng trong từng ngày.
Cụ thể:
- Ngày 20/11: giá vàng đạt 59,67 – 60,62 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra
- Ngày 21/11: 60,03 – 61,03 triệu đồng/lượng
- Ngày 22/11: 60,48 – 61,48 triệu đồng/lượng
- Ngày 23/11: 60,58 – 61,58 triệu đồng/lượng
- Ngày 24/11: 60,73 – 61,73 triệu đồng/lượng
- Cuối tuần 25/11: giá vàng đạt đỉnh 61,02 – 62,02 triệu đồng/lượng trước khi lùi về 60,98 – 61,98 triệu đồng/lượng về cuối ngày.
Với mức giá gần 62 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn đắt hơn giá vàng thế giới 2 triệu đồng, tăng 1,1 triệu đồng so với mức 890.000 đồng cuối tuần trước.
Cùng thương hiệu SJC, vàng miếng SJC đang đắt hơn vàng nhẫn SJC 10,9 triệu đồng, tăng 250.000 đồng so với phiên cuối tuần trước.
Vàng trong nước tăng không đơn thuần chỉ do vàng thế giới tăng
Thời gian qua lãi suất liên tục giảm, đầu tư khó khăn. Một số người có tiền gửi vào ngân hàng thì lãi không được bao nhiêu. Trong khi đầu tư thì ít cơ hội, do các doanh nghiệp đang ít đơn hàng, co cụm lại nên cơ hội đầu tư càng ít. Mặc dù giai đoạn 2 tháng cuối năm được dự báo sẽ là giai đoạn bùng nổ của sản xuất kinh doanh nhưng dường như các nhà đầu tư không tin tưởng lắm, do đó dòng tiền có xu hướng chảy sang kim loại quý.
Tâm lý “mua vàng còn giữ được giá” khiến nhiều người ưu tiên vàng hơn.
Bên cạnh đó, đang cận dịp cuối năm nên nhu cầu mua vàng trang sức phục vụ đám cưới, đám hỏi tăng lên, đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến giá vàng tăng.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu nêu nguyên nhân dẫn đến giá vàng trong nước tăng thời gian gần đây liên quan đến vụ đại án Vạn Thịnh Phát. Vụ việc tạo ra cơn chấn động trong giới tài chính và cả người dân, gây ra sự hoang mang cho nền kinh tế. Với những băn khoăn trong thị trường tài chính dưới tác động của vụ Vạn Thịnh Phát, người dân đang có xu hướng mua vàng thay vì đầu tư, từ đó đẩy giá vàng lên.
“Nguyên nhân sâu xa hơn là nền kinh tế của chúng ta hiện gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm này mục tiêu tăng trưởng kinh tế của chúng ta dù hạ xuống 5% nhưng rất khó để đạt được.
Có thể thấy nền kinh tế xuất nhập khẩu giảm, giải ngân đầu tư công giảm, các doanh nghiệp ngưng hoạt động, phá sản càng ngày càng nhiều, trong khi ngân hàng không đẩy được vốn ra nền kinh tế. Nhiều yếu tố tạo nên sự bất an thị trường và từ đó đẩy giá vàng lên”, TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Nên mua vàng nhẫn hay vàng miếng?
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, đồng thời là cố vấn của Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam cho biết: “Theo quan sát của tôi thì giá vàng thế giới đang thiết lập mặt bằng giá mới quanh vùng 2.000 USD/ounce và có thể tích lũy rồi đi lên từ mốc này. Ở trong nước, tâm lý của nhà đầu tư thường là vàng giảm sâu thì ít quan tâm, nhưng khi vàng tăng mạnh lại rất để ý hoặc thậm chí mua khi giá đang tăng mạnh. Dù vậy, theo quan điểm của tôi, riêng giá vàng trong nước nhà đầu tư cần thận trọng, bởi hiện giá vàng SJC đang cao hơn vàng nhẫn, vàng trang sức 24K tới 11 triệu đồng/lượng, và cao hơn vàng thế giới trên 12 triệu đồng/lượng”.
Với mức chênh lệch này nên cân nhắc kỹ nếu mua vào vàng SJC, tránh trường hợp giá vàng đảo chiều giảm để thu hẹp biên độ với giá thế giới. Riêng vàng nhẫn 24K các loại thì biến động sát giá thế giới hơn, nên nếu mua vào có thể ưu tiên vàng nhẫn, vàng trang sức 24K hơn.
Theo ông Khánh, danh mục đầu tư nếu chưa có vàng thì nên mua, nhưng tỷ trọng tùy thuộc vào nhu cầu, khẩu vị rủi ro của từng người bởi vàng là tài sản mang tính chất phòng ngừa rủi ro nhiều hơn.
Trên thế giới, các chuyên gia khuyến nghị nên có từ 15-20% danh mục đầu tư là vàng trong tổng tài sản đầu tư nhằm đa dạng hóa và phòng ngừa rủi ro. Nhưng như đã nói, tỷ trọng bao nhiêu là tùy vào nhu cầu từng người, vì bên cạnh vàng còn các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, gửi tiết kiệm…
Nhận định về xu hướng giá vàng, thì giai đoạn quý IV, cuối năm và quý I năm sau thường giá vàng sẽ tăng do nhu cầu mua vàng vật chất, vàng trang sức ở các thị trường đi lên.
TS Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo người tiêu dùng không nên quá mạnh tay trong vấn đề mua vàng. Nếu có khả năng tài chính muốn đầu tư vàng vào giai đoạn này thì chỉ nên đầu tư 1/3 số tiền tiết kiệm của mình chứ không nên “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”.
“Thêm vào đó, đừng thấy giá vàng tăng mà đi vay tiền của người khác đề đầu tư vào vàng. Nếu giá vàng giảm trái với dự tính, thì người mua vàng sẽ gặp rắc rối lớn về tài chính”, TS. Hiếu nói.
Giavang.net