28 C
Hanoi
05/05/2024
Image default
Tin tức thị trường 24/7

VIP Tin 24/7: Tuần 16-21/10: Mức tăng nửa triệu của vàng miếng hay hơn 1 triệu của vàng nhẫn vẫn bị đà tăng của vàng thế giới bỏ xa

Tóm tắt

  • Nhìn vào mức lãi của tuần trước để “lướt sóng” vàng miếng trong tuần này, nhà đầu tư sẽ nhận “trái đắng”.
  • Lo sợ trước sự thua lỗ trong tuần trước, nhà đầu tư sẽ tiếc nuối khi không mua vàng nhẫn trong tuần này.
  • Đạt mức giá cao nhất lịch sử, vàng nhẫn vẫn rẻ hơn giá vàng thế giới 300.000 đồng.
  • Chênh lệch giữa vàng miếng và vàng thế giới giảm 1,4 triệu đồng – xuống thấp nhất gần 2 tháng.

Nội dung

Giá vàng thế giới chốt tuần tại ngưỡng 1.981 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá trên thị trường tự do (24.630 VND/USD) giá vàng đứng tại 59,50 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí), tăng 1,7 triệu đồng/lượng so với mở cửa phiên đầu tuần và tăng 1,5 triệu đồng/lượng so với giá chốt cuối tuần trước. Cuối tuần trước, giá vàng thế giới sau quy đổi giao dịch tại 58,03 triệu đồng với tỷ giá ở mức 24.620 VND/USD.

Mặc dù đi xuống trong phiên giao dịch đầu tuần, song giá vàng đã phục hồi liên tiếp trong các phiên sau đó. Điều này giúp vàng ghi nhận tuần tăng giá thứ hai liên tiếp.

Cuộc xung đột tại Trung Đông là nhân tố chính chi phối thị trường vàng trong tuần qua. Cả tuần, giá vàng tăng gần 60 USD mỗi ounce (2,9%) và đã tăng hơn 160 USD kể từ khi nhóm khủng bố Hamas tấn công Israel vào ngày 7/10.

Trong phiên ngày thứ Sáu 20/10, giá vàng có lúc đạt ngưỡng 1.997 USD. Trong bối cảnh cuộc chiến tranh giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine tiếp tục diễn biến căng thẳng, nhiều nhà đầu tư đang mua vàng như một cách để phòng ngừa rủi ro.

“Mọi người đang đổ xô mua vàng vì nhu cầu nắm giữ tài sản an toàn trong bối cảnh có nhiều rủi ro địa chính trị. Nếu căng thẳng tiếp tục gia tăng ở Trung Đông, giá vàng sẽ dễ dàng vượt mốc 2.000 USD”, chiến lược gia Phillip Streible của công ty Blue Line Futures nhận định.

Tuy nhiên, đà tăng của giá vàng bị hãm lại ít nhiều bởi xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã chạm mốc 5,001% trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, đánh dấu lần đầu tiên vượt qua mốc này kể từ tháng 7/2007. Trong phiên ngày thứ Sáu, lợi suất quay đầu giảm, chốt phiên trên mức 4,9%.

Trong một ghi chú mới đây, Fitch Solutions dự báo, giá vàng sẽ đạt mức trung bình 1.950 USD/ounce trong năm nay. Ngoài bất ổn địa chính trị, vàng cũng được hỗ trợ “khi lo ngại về một đợt tăng lãi suất khác của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào năm 2023 giảm bớt”.

Ngày 20/10, các thành viên của Ủy ban Thị trường mở Liên bang thuộc Fed đã bỏ phiếu quyết định lãi suất trong thời gian tới với mức lãi suất được bỏ phiếu là 5,5%/năm. Như vậy, khả năng cao Fed sẽ giữ nguyên lãi suất điều hành trong cuộc họp tới đây.

Thông tin Fed có khả năng không tăng lãi suất đã khiến đồng USD có phiên giảm giá thứ 2 liên tiếp trong khi giá vàng lại được hưởng lợi. Nếu Fed chính thức không tăng lãi suất, giá vàng sẽ còn tăng mạnh hơn nữa, giới phân tích nhận định.

Giá vàng trong nước tăng chậm hơn vàng thế giới

Chốt phiên cuối tuần 21/10, giá vàng miếng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giao dịch mua – bán tại mốc 70,25 – 71,05 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng/lượng chiều mua, 500.000 đồng/lượng chiều bán so với giá mở cửa phiên đầu tuần 16/10.

Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua – bán của vàng miếng ngày cuối tuần tại 70,30 – 71,00 triệu đồng/lượng, tăng 430.000 đồng/lượng giá mua và 480.000 đồng/lượng giá bán so với giá mở cửa phiên đầu tuần.

Tại DOJI Hà Nội, vàng miếng chốt tuần ở mức 70,30 – 71,10 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 550.000 đồng/lượng mua vào, 450.000 đồng/lượng bán ra so với giá mở cửa phiên 16/10.

Tăng mạnh hơn vàng miếng, vàng nhẫn biến động với mức tăng lên tới hơn triệu đồng/lượng tại các đơn vị.

Cụ thể, với mức giá chốt ngày cuối tuần tại 58,10 – 59,10 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), vàng nhẫn tại SJC điều chỉnh giá mua – bán tăng 1,15 triệu đồng/lượng so với giá mở cửa phiên thứ Hai đầu tuần.

Tương tự, nhẫn 9999 của DOJI cũng tăng mạnh với mức điều chỉnh 1,25 triệu đồng/lượng cả hai chiều mua – bán trong tuần này và chốt tuần tại mốc 58,20 – 59,10 triệu đồng/lượng.

Với đà tăng khiêm tốn hơn, vàng nhẫn tại BTMC điều chỉnh tăng 770.000 đồng/lượng chiều mua và 820.000 đồng/lượng chiều bán trong tuần, giá mua – bán chốt tuần tại mốc 57,86 – 58,86 triệu đồng/lượng.

Đạt mức giá kỷ lục, vàng nhẫn tại PNJ leo lên 58,10 – 59,20 triệu đồng/lượng (MV – BR), tăng 1 triệu đồng/lượng chiều mua và 1,2 triệu đồng/lượng chiều bán so với giá mở cửa phiên đầu tuần 16/10.

Không còn đạt được mức tăng “bùng nổ” như tuần trước, biên độ tăng của vàng miếng trong tuần này đã “co” lại. Trong tuần trước, với đà tăng hơn 1 triệu đồng/lượng, nhà đầu tư lướt sóng sẽ lãi khoảng 100-300.000 đồng mỗi lượng. Nếu nhìn vào tuần trước để đầu tư vàng miếng trong tuần này – với mức tăng khoảng 500.000 đồng/lượng và chênh lệch mua – bán ngưỡng 700-900.000 đồng, nhà đầu tư sẽ lỗ khoảng 300.000 đồng cho mỗi lượng vàng.

Trái ngược vàng miếng, mua vàng nhẫn trong tuần này sẽ lãi khoảng 100.000 đến hơn 300.000 đồng mỗi lượng tại một số đơn vị, dù kim loại quý này vẫn giữ mức chênh lệch mua – bán khá cao – ngưỡng 1 triệu đồng. Trong tuần trước, vàng nhẫn có mức tăng khiêm tốn hơn vàng miếng, và nếu đầu tư lướt sóng sẽ lỗ khoảng 300.000 đồng hoặc số ít nơi có mức lãi khiêm tốn 100.000 đồng với mỗi lượng vàng nhẫn.

Dù với mức tăng 500.000/lượng của vàng miếng hay hơn 1 triệu đồng của vàng nhẫn thì cả hai mặt hàng này đều kém xa đà tăng mạnh của vàng thế giới, khiến chênh lệch giữa hai thị trường giảm mạnh.

Đạt 71,1 triệu đồng/lượng – vùng giá cao nhất trong tuần, vàng miếng vẫn thu hẹp mạnh khoảng cách chênh lệch với giá vàng thế giới, từ 13 triệu đồng cuối tuần trước xuống 11,6 triệu đồng cuối tuần này – mức độ biến động là 1,4 triệu đồng. Đây là mức chênh lệch thấp nhất giữa vàng miếng và vàng thế giới kể từ ngày 6/9/2023.

Đạt 59,2 triệu đồng, vàng nhẫn ghi nhận mức giá cao nhất trong năm nay, đồng thời cũng là giá đắt nhất của vàng nhẫn từ trước tới nay. Với mức giá này, vàng nhẫn vẫn rẻ hơn vàng thế giới 300.000 đồng, từ mức cao hơn giá vàng thế giới 120.000 đồng cuối tuần trước – mức độ biến động là hơn 400.000 đồng.

Mức chênh lệch giữa giá vàng miếng và vàng nhẫn của SJC cũng có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể, vàng miếng của SJC hiện đắt hơn giá vàng nhẫn 11,95 triệu đồng, giảm 600.000 đồng so với cuối tuần trước.

SJC có thể về gần với mức giá của vàng thế giới nếu Ngân hàng Nhà nước sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP

Một số doanh nghiệp kinh doanh vàng tại Hà Nội thừa nhận gần đây, do giá vàng biến động nhiều, thị trường xuất hiện không ít người lướt sóng vàng. Họ theo dõi thị trường quốc tế, khi thấy giá vàng thế giới đi lên thì gom mạnh vàng miếng SJC với kỳ vọng loại vàng này sẽ tăng giá. Khi đạt mức giá kỳ vọng, họ chủ động bán ra để chốt lời. Từ đó, giá vàng SJC có thời điểm tăng – giảm cả triệu đồng/lượng.

Một chuyên gia nghiên cứu thị trường vàng cho biết, sau khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ tháng 5/2012, thị trường không có nguồn cung vàng nguyên liệu; nhà nước cũng không sản xuất thêm vàng miếng SJC. Trong khi đó, người dân luôn muốn nắm giữ vàng miếng SJC khiến giá của loại vàng này ngày càng tăng và cao hơn giá vàng thế giới hàng chục triệu đồng/lượng.

Theo chuyên gia này, hiện các doanh nghiệp hay nhà đầu tư giao dịch vàng SJC chủ yếu là để kiếm lời từ việc mua thấp – bán cao.

PGS, TS. Ngô Trí Long – Chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã góp phần tạo sự ổn định cho thị trường vàng, nhưng một số quy định trong Nghị định này không còn phù hợp.

Theo ông Long, thời gian qua các cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều đường dây buôn lậu vàng, song đó mới chỉ giải quyết được phần ngọn. Bởi nguyên nhân của tình trạng này chính là việc giá vàng trong nước chênh lệch rất nhiều so với giá thế giới. “Thị trường vàng trong nước đã “đóng cửa” suốt gần chục năm nay, không có sự liên thông với thế giới, dẫn tới mất cân đối trong cung – cầu” – ông Long nhận định.

Theo các chuyên gia và các doanh nghiệp, đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước nên khảo sát đầy đủ, cần tăng nguồn cung để bình ổn thị trường, làm cho giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới. Các doanh nghiệp vàng cho rằng, nhà nước chưa cần thiết nhập khẩu một lượng lớn vàng nguyên liệu mỗi năm mà chỉ cần tuyên bố có lộ trình thực hiện tăng nguồn cung vàng miếng, kéo giảm mức độ chênh lệch giá vàng trong nước với giá thế giới. Khi đó, mặt bằng giá vàng SJC có thể giảm mạnh hàng triệu đồng/lượng.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....