Tóm tắt
- Vàng thế giới giằng co hẹp, sau quy đổi giao dịch gần 56,5 triệu đồng/lượng.
- SJC cũng thiếu sôi động với xu hướng đi ngang sau nhịp điều chỉnh đầu giờ sáng.
- Chênh lệch nội – ngoại duy trì ngưỡng 10,7 triệu đồng.
- Giới phân tích tỏ ra thận trọng về triển vọng ngắn hạn của giá vàng.
Nội dung
Cập nhật lúc 13h30 ngày 17/7, SJC tại Hà Nội được công ty CP SJC Sài Gòn niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 66,60 – 67,22 triệu đồng/lượng, đi ngang cả hai chiều mua – bán so với giá mở cửa sáng nay.
SJC Hồ Chí Minh, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 66,60 – 67,20 triệu đồng/lượng, ngang giá chiều mua và bán so với thời điểm mở cửa.
DOJI Hà Nội, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 66,55 – 67,25 triệu đồng/lượng, mua vào và bán ra không thay đổi so vời giá mở cửa cùng ngày.
BTMC, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 66,62 – 67,18 triệu đồng/lượng, giá mua đứng nguyên, giá bán giảm 20.000 đồng/lượng so với giá mở cửa.
Thị trường thế giới
Cùng thời điểm trên, giá vàng thế giới giao dịch tại ngưỡng 1.954 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá trên thị trường tự do (23.700 VND/USD) vàng thế giới hiện đứng tại 56,48 triệu đồng/lượng, thấp hơn SJC 10,7 triệu đồng. Cuối tuần trước, giá vàng thế giới sau quy đổi giao dịch tại 56,53 triệu đồng/lượng, thấp hơn SJC 10,7 triệu đồng.
Giới đầu tư đang lạc quan rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chỉ tăng lãi suất thêm 1 lần trong năm nay, sau đó giữ nguyên lãi suất cho tới khi bắt đầu hạ lãi suất trong năm 2024. Đây là một động lực quan trọng khiến đồng USD sụt giá và vàng tăng giá mạnh trong tuần vừa rồi.
Tuy nhiên, nếu Fed vẫn quyết tâm tăng lãi suất 2 lần, giá vàng sẽ gặp trở ngại lớn. Hiện tại, khả năng Fed có thêm lần tăng lãi suất thứ 2 vẫn chưa được phản ánh vào giá vàng, đó là một lý do tại sao các nhà phân tích vẫn thận trọng về triển vọng của giá vàng trong ngắn hạn.
Ông Bart Melek, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu của TD Securities, nhận định: “Mọi người đều đang muốn tin là giá vàng sẽ tăng, với bất kỳ lý do yếu ớt nào, bao gồm cả hy vọng rằng Fed sẽ nhanh chóng đưa ra các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế và chấm dứt chương trình thắt chặt. Nhưng tại thời điểm này, còn quá sớm để có được những động thái như vậy từ Fed”.
Mặc dù câu chuyện lạm phát đang bắt đầu có vẻ tốt hơn, nhưng đó vẫn chưa phải là đoạn kết, nhất là khi giá dầu tăng khá mạnh trong tuần vừa rồi. “Gần đây, chúng ta đã chứng kiến giá dầu tăng đáng kể khi OPEC tiếp tục giảm nguồn cung. Lợi ích lớn mà chúng ta nhận được từ năng lượng rẻ hơn có thể đảo ngược ở một mức độ nào đó trong những tháng tới”, ông Melek cảnh báo.
Thêm vào đó, ít khả năng Fed sẽ nhanh chóng thay đổi lập trường cứng rắn của mình vì bất kỳ một sự thay đổi thiếu thận trọng đều có thể ảnh hưởng tới uy tín của Fed trong tương lai. Ông Melek lưu ý: “Tôi nghi ngờ việc Fed sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách sớm như thị trường nghĩ. Dữ liệu có thể gây bất ngờ theo chiều hướng tăng và Fed sẽ giữ vững sự cứng rắn. Đó có thể sẽ là một vấn đề đối với vàng”.
Fed đã tuyên bố kế hoạch tăng lãi suất thêm ít nhất hai lần trong năm nay, còn kỳ vọng của thị trường về cuộc họp tháng 7 là khả năng 96% lãi suất tăng thêm 0,25 điểm phần trăm. Giới chuyên gia cho rằng giá vàng thế giới có thể sẽ giằng co trong vùng hẹp cho tới cuộc họp của Fed vào ngày 26-27/7.
Theo Hội đồng vàng thế giới (WGC), nếu suy thoái kinh tế của Mỹ có dấu hiệu mạnh hơn, nỗi lo sợ về rủi ro và tính bất định sẽ khiến giới đầu tư lao vào vàng. Khi đó, giá vàng tăng trưởng mạnh mẽ.
Ngược lại, nếu lãi suất vẫn thắt chặt và kinh tế Mỹ hạ cánh mềm, giới đầu tư sẽ thoái vốn khỏi vàng. Vì lúc này, vàng không có ưu thế với những tài sản hưởng lãi suất cao cũng như sức ép của đồng USD mạnh.
Theo WGC, trong nửa đầu năm 2023, vàng vẫn đem lại hiệu suất tốt cho nhà đầu tư nhờ vào tính bất định của nền kinh tế, lực cầu của các ngân hàng trung ương toàn cầu.
Nhìn lại giai đoạn tháng 3/2023, khi nhiều ngân hàng Mỹ rơi vào tình trạng phá sản, vàng đã tăng giá mạnh giúp nhiều nhà đầu tư có lãi cao.
Giavang.net