Tóm tắt
- Vàng thế giới tăng lên 1.930 USD, giá sau quy đổi tăng hơn 300.000 đồng/lượng.
- SJC đi ngang vùng giá 68,9 triệu đồng sau nhịp tăng đầu giờ sáng.
- Chênh lệch giữa hai thị trường giảm 400.000 đồng so với cuối tuần trước.
Nội dung
Cập nhật lúc 14h15, ngày 11/9, SJC tại Hà Nội được công ty CP SJC Sài Gòn niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 68,20 – 68,92 triệu đồng/lượng, đi ngang cả hai chiều mua – bán so với đầu giờ sáng nay.
BTMC, niêm yết giá mua và bán ở mốc 68,25 – 68,88 triệu đồng/lượng, giá mua – bán cùng đi ngang so với phiên sáng nay.
Phú Quý, niêm yết giá mua và bán ở mốc 68,15 – 68,90 triệu đồng/lượng, mua vào và bán ra không thay đổi so với đầu giờ sáng.
DOJI Hà Nội, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 68,10 – 68,90 triệu đồng/lượng, ngang giá chiều mua và bán so với sáng cùng ngày.
Cùng thời điểm trên, giá vàng thế giới giao dịch tại ngưỡng 1.930 USD/ounce, tăng hơn 10 USD so với chốt cuối tuần trước. Quy đổi theo tỷ giá trên thị trường tự do (24.180 VND/USD) giá vàng đứng tại 56,91 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí), thấp hơn SJC 11,9 triệu đồng. Phiên cuối tuần trước, giá vàng thế giới sau quy đổi giao dịch tại 56,59 triệu đồng/lượng, thấp hơn SJC 12,3 triệu đồng.
Áp lực mất giá đối với vàng thế giới đang dịu đi nhờ đồng USD giảm giá. Sáng nay, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm 0,3%, còn gần 104,8 điểm. Hôm thứ Sáu, chỉ số vượt 105 điểm, mức cao nhất trong 10 tháng trở lại đây – theo dữ liệu từ FactSet.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định xu hướng tăng của đồng USD sẽ duy trì nhờ tăng trưởng kinh tế Mỹ đang mạnh hơn so với các nền kinh tế lớn khác như Trung Quốc, Nhật Bản hay châu Âu. Trong 1 tháng trở lại đây, Dollar Index đã tăng hơn 1,5% – theo FactSet.
Vàng được định giá bằng USD nên xu hướng tăng của USD gây áp lực giảm lên vàng.
Ngoài ra, vàng – tài sản không mang lãi suất – còn chịu áp lực mất giá từ đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất cao hơn lâu hơn. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện đang dao động quanh mốc 4,3%, cách không xa mức đỉnh của 16 năm là 4,35% thiết lập vào cuối tháng 8.
Theo nhà kinh tế trưởng Ilya Spivak của công ty Tastylive, nếu Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn, “đó sẽ là điều tồi tệ nhất đối với vàng”.
Tuần này, tâm điểm chú ý của giới đầu tư vàng là cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày thứ Năm, và các số liệu kinh tế Mỹ đặc biệt là dữ liệu lạm phát tháng 8.
Nếu các quan chức ECB bày tỏ quan điểm về nền kinh tế khu vực Eurozone, đà tăng giá của USD có thể được đẩy mạnh hơn, gia tăng sức ép mất giá đối với vàng.
Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ sẽ được công bố vào ngày thứ Tư, tiếp đó là báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) vào ngày thứ năm. Các số liệu này được cho là sẽ ảnh hưởng nhiều đến quyết định lãi suất của Fed trong cuộc họp diễn ra vào ngày 19-20/9.
Theo chiến lược gia trưởng George Milling-Stanley của State Street Global Advisors, cho dù báo cáo CPI cho thấy lạm phát tiếp tục giảm, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng hơn – vẫn đang phản ánh sự dai dẳng của lạm phát. “Nếu suy thoái kinh tế xảy ra mà lạm phát vẫn cao, vàng sẽ phát huy tốt vai trò kênh đầu tư an toàn”, ông nhận định.
Giavang.net