(GVNET) – Audio
Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Christopher Waller, cho biết các nhà hoạch định chính sách Fed có thể trì hoãn hạ lãi suất ít nhất vài tháng nữa…
Phố Wall kết tuần ở mức cao kỉ lục
Thị trường chứng khoán Mỹ khá giằng co quanh vùng tham chiếu trong phiên ngày cuối tuần khi nhà đầu tư cân nhắc lại vị thế của mình tại vùng giá cao kỉ lục.
Kết phiên giao dịch thứ Sáu 23/2, chỉ số S&P 500 nhích 0,03% lên 5.088,80 điểm. Vào đầu phiên, chỉ số này lần đầu tiên vượt mốc 5.100 điểm. Chỉ số Dow Jones cộng 62,42 điểm (tương đương 0,16%) lên 39.131,53 điểm, mức đóng cửa cao mọi thời đại và cũng đạt mức kỷ lục mới trong phiên.
Ở chiều ngược lại, chỉ số Nasdaq Composite mất 0,28% còn 15.996,82 điểm, nhưng vẫn đạt mức đỉnh mới trong 52 tuần vào đầu phiên.
Thị trường tăng nhưng vẫn có sự phân hóa và không có bất kì nhóm nào bứt phá mang tính dẫn dắt.
Cả ba chỉ số trung bình chính của chứng khoán Mỹ đều có một tuần thành công. S&P 500 đã tăng 1,66%, trong khi Nasdaq Composite tiến thêm 1,4%. Chỉ số Dow Jones cũng nhích lên 1,3% trong giai đoạn này.
Tỷ giá
Chỉ số đồng đô la DXY ổn định gần mức 104 vào thứ Sáu sau khi giảm xuống mức thấp nhất là 103,4 trong phiên trước đó, bởi một quan chức khác của Cục Dự trữ Liên bang chỉ ra rằng ngân hàng trung ương có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất muộn hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường.
Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết vào cuối ngày thứ Năm rằng Fed nên trì hoãn việc cắt giảm lãi suất ít nhất vài tháng nữa để xem liệu báo cáo lạm phát nóng trong tháng 1 có phải là một sự thay đổi nhất thời và Fed vẫn đang đi đúng hướng hướng tới mục tiêu lạm phát của mình. Ông nói thêm rằng hành động quá sớm có thể làm lãng phí tiến trình lạm phát của ngân hàng trung ương và có nguy cơ gây tổn hại đáng kể cho nền kinh tế.
Theo tuần, chỉ số đồng USD lùi 0,1% và ghi nhận tuần giảm đầu tiên trong gần 2 tháng.
Dầu thô giảm hơn 2% trong tuần
Giá dầu giảm gần 3% vào ngày thứ Sáu (23/02) và ghi nhận mức giảm trong tuần, sau khi các nhà hoạch định chính sách Mỹ cho biết việc hạ lãi suất có thể bị trì hoãn ít nhất 2 tháng nữa. Tuy nhiên, giá dầu vẫn được hỗ trợ vì kì vọng nhu cầu dầu tăng trong thời gian tới.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/02, hợp đồng dầu Brent lùi 2,05USD (tương đương 2,5%) xuống 81,62 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 2,12 USD (tương đương 2,7%) còn 76,49 USD/thùng.
Tuần này, dầu Brent giảm 2% và dầu WTI sụt hơn 3%.
Các chỉ số nhu cầu của JPMorgan đang cho thấy nhu cầu dầu tăng 1,7 triệu thùng/ngày so với tháng trước tính đến ngày 21/2, các nhà phân tích của JPMorgan cho biết trong một lưu ý.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza đang được tiến hành tại Paris nhằm ngăn chặn cuộc xung đột ở Palestine và các con tin Israel và nước ngoài được thả. Các cuộc đàm phán ngừng bắn có thể khiến thị trường dự đoán căng thẳng địa chính trị giảm bớt.
Vàng tăng hơn 1,4% trong tuần này
Sự suy giảm của đồng bạc xanh đã hỗ trợ đắc lực cho vàng. Thêm vào đó, việc quỹ lớn không bán cũng khiến tâm lí thị trường trở nên tích cực hơn.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/02, hợp đồng vàng giao ngay tiến 0,6% lên $2035,99/oz, và tăng 1,4% trong tuần qua. Hợp đồng vàng tương lai cộng 0,8% lên $2046,3/oz.
Quỹ tín thác vàng hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust không ghi nhận trạng thái mua hay bán trong ngày cuối tuần. Lượng vàng nắm giữ của quỹ duy trì ở mức 827,81 tấn. Tuần này, quỹ bán ra hơn 10 tấn vàng.
Kết luận
Thị trường tài chính tuần này chịu sự chi phối bởi loạt dữ liệu phản ánh sức mạnh của nền kinh tế Mỹ (PMI, thị trường nhà ở, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu) cùng loạt bình luận diều hâu của các quan chức Ngân hàng trung ương Fed. Nhìn chung, thị trường đã từ bỏ đặt cược Fed hạ lãi suất trong tháng 3, tháng 5 và đẩy lùi kì vọng về động thái nới lỏng đầu tiên sang tháng 6. Dòng tiền tuần này tập trung vào chứng khoán Mỹ, với tiêu điểm là cổ phiếu Nvidia khi vốn hóa vượt lên thứ ba tại nền kinh tế hàng đầu thế giới. Sang tuần tới, các số liệu về lạm phát ưa thích của Fed – PCE, tin việc làm… sẽ là tiêu điểm chú ý của nhà đầu tư.
Giavang.net