(GVNET) – Audio
Các tin tức quan trọng công bố trong ngày 15/4
- Châu Âu: Sản lượng công nghiệp tháng 2 tăng 0,8% hàng tháng và giảm 6,4% so với cùng kì năm ngoái.
- Mỹ: Doanh số bán lẻ lõi tháng 3 tăng 1,1% hàng tháng – cao hơn nhiều dự báo tăng 0,5%.
- Mỹ: Chỉ số sản xuất Empire State tại NY tháng 4 đạt -14,3 – tệ hơn dự báo là -5,20.
- Mỹ: Kiểm soát bán lẻ tháng 3 tăng 1,1% hàng tháng – cao hơn dự báo là 0,4%.
- Mỹ: Doanh số bán lẻ tháng 3 tăng 0,7% hàng tháng và tăng 4,02% so với cùng kì năm ngoái.
Phố Wall đảo chiều rớt mạnh vào cuối phiên
Thị trường chứng khoán Mỹ khởi động tuần mới trong sắc xanh nhưng lại chốt phiên giảm mạnh khi nhà đầu tư bán ra cổ phiếu Công nghệ vốn hóa lớn.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai ngày 15/04, chỉ số Dow Jones lùi 248,13 điểm (tương đương 0,65%) xuống 37.735,11 điểm. Chỉ số này đã xoá sạch mức tăng hơn 1% vào đầu phiên để ghi nhận phiên giảm thứ sáu liên tiếp, đánh dấu chuỗi lao dốc dài nhất kể từ tháng 6/2023. Mức giảm trong ngày thứ Hai cũng kéo chỉ số này gần như đi ngang trong năm 2024, một bước ngoặt đáng kinh ngạc sau khi dao động gần mốc 40.000 điểm chỉ vài tuần trước đó.
Cổ phiếu Salesforces sụt hơn 7% do có thông tin cho rằng công ty phần mềm này đang đàm phán để mua lại công ty quản lý dữ liệu Informatica.
Ngược lại, cổ phiếu Goldman Sachs, tăng gần 3% sau khi công bôs doanh thu và lợi nhuận trong quý I vượt xa kì vọng.
Chỉ số S&P 500 mất 1,2% còn 5.061,82 điểm, mặc dù đã tăng tới 0,88% vào đầu phiên. Chỉ số Nasdaq Composite rớt 1,79% xuống 15.885,02 điểm khi Salesforce và các cổ phiếu công nghệ khác sụt giảm.
Trên S&P 500, cả 11 nhóm ngành đều giảm điểm, dẫn đầu là cổ phiếu Công nghệ (-1,99%) và Bất động sản (-1,77%).
Tỷ giá
Chỉ số đồng đô la DXY đã tăng lên trên 106 vào thứ Hai, mức cao nhất trong hơn 5 tháng, nhờ dữ liệu bán lẻ cao hơn dự báo, củng cố đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ không hạ lãi suất lâu hơn.
Doanh số bán lẻ tăng 0,7% so với tháng trước trong tháng 3, trong khi bán lẻ không bao gồm ô tô tăng mạnh nhất trong 14 tháng, thể hiện sức mạnh của người tiêu dùng Mỹ bất chấp thời gian Fed áp dụng lãi suất kéo dài.
USD cũng được mua vào như đồng tiền trú ẩn trước những lo ngại về chiến tranh leo thang ở Trung Đông do cuộc tấn công của Iran vào Israel cuối tuần qua.
Dầu thô hạ nhẹ, tiếp tục bám sát câu chuyện chảo lửa Trung Đông
Giá dầu giảm xuống thấp hơn sau khi cuộc tấn công cuối tuần của Iran vào Israel tỏ ra ít gây thiệt hại hơn dự đoán, làm giảm bớt lo ngại về một cuộc xung đột gia tăng nhanh chóng có thể ảnh hưởng tới nguồn cung dầu thô.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/04, hợp đồng dầu WTI lùi 25 xu (tương đương 0,29%) xuống 85,41 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent mất 35 xu (tương đương 0,39%) còn 90,10 USD/thùng.
Mỗi bước điều chỉnh của vàng đều là cơ hội mua lên
Giá vàng tiếp tục xu hướng giảm của phiên cuối tuần trước và khi về vùng chiết khấu đủ lớn, nhà đầu tư hanh chóng bắt đáy, đẩy giá lên cao.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/04, hợp đồng vàng giao ngay tiến 0,9% lên $2365,09/oz, sau khi chạm mức cao kỷ lục $2431,29/oz vào ngày 12/04 trước dự báo về cuộc tấn công trả đũa của Iran nhằm vào Israel.
Hợp đồng vàng tương lai cộng 0,4% lên $2383/oz.
Quỹ tín thác vàng hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust quay lại mua ròng 1,73 tấn trong ngày 15/4, nâng lượng vàng nắm giữ chạm ngưỡng 828,45 tấn.
Kết luận
Thị trường tài chính biến động không ngừng và dõi theo từng diễn biến mới về cuộc xung đột của Israel và Iran. Bất ổn địa chính trị đã đẩy dòng tiền rời khỏi các tài sản rủi ro như chứng khoán, tiền kĩ thuật số đầu tư sang vàng, USD như một vịnh trú ẩn an toàn. Trong ngắn hạn, câu chuyện Trung Đông vẫn là điểm nóng nhưng nhà đầu tư cũng cần theo sát bối cảnh vĩ mô cơ bản. Các dữ liệu kinh tế Mỹ rất tốt đã và đang ủng hộ quan điểm Fed duy trì lãi suất cao lâu dài hơn và đó không phải là điều mà nhiều thương nhân mong đợi.
Giavang.net