(GVNET) Các tin quan trọng được công bố trong ngày 9/9
- Mỹ: Tổng doanh số bán xe cộ tháng 8 đạt 15,1 triệu – thấp hơn dự báo là 15,4 triệu.
- Mỹ: Doanh số bán sỉ tháng 7 tăng 1,1% hàng tháng.
- Mỹ: Tồn khi bán sỉ tháng 7 tăng 0,2% hàng tháng.
- Mỹ: Kỳ vọng lạm phát tiêu dùng tháng 8 tăng 3%.
Phố Wall hồi phục sau tuần giảm sốc
Thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục trở lại sau khi thiết lập tuần giảm sốc. Các chỉ số mở cửa ngay lập tức đã tăng gần 1% và lực mua kéo dài tới cuối ngày.
Đóng cửa phiên giao dịch thứ Hai ngày 9/9, chỉ số Dow Jones tăng 484,18 điểm (tương đương 1,2%) lên 40.829,59 điểm. Tuần đầu tháng 9, chỉ số này rơi tới 1200 điểm.
Chỉ số S&P 500 tiến 1,16% lên 5.471,05 điểm, sau khi ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2023. Chủ số này cũng đã kết thúc mạch 4 phiên giảm liên tiếp.
Chỉ số Nasdaq Composite cộng 1,16% lên 16.884,60 điểm sau khi trải nghiệm tuần tồi tệ nhất 2 năm qua.
Tất cả 11 nhóm ngành trên S&P 500 đều xanh khi lực mua trở lại. Cổ phiếu Tiêu dùng không thiết yếu – Công nghiệp – Công nghệ và Tài chính là tiêu điểm tăng giá.
Cổ phiếu Palantir và Dell Technologies lần lượt tăng 14% và 3,8% sau khi S&P Dow Jones Indices thông báo vào cuối tuần trước rằng hai công ty này sẽ gia nhập chỉ số S&P 500.
Đáng chú ý, Nividia hồi phục 3,5% sau đà giảm 14% của tuần đầu tháng 9.
Tỷ giá
Chỉ số đồng đô la DXY ổn định trên 101,1 vào thứ Hai khi các nhà đầu tư tiếp tục đánh giá quy mô tiềm năng của đợt cắt giảm lãi suất dự kiến từ Cục Dự trữ Liên bang vào cuối tháng 9.
Báo cáo bảng lương tháng 8 được công bố vào thứ Sáu cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đã tạo ra ít việc làm hơn dự kiến, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ và tăng trưởng tiền lương vẫn vững chắc. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của Fed tiếp tục cho thấy sự sẵn sàng nới lỏng chính sách trong bối cảnh lo ngại rằng thị trường lao động đang yếu đi có thể tăng tốc thành vấn đề nghiêm trọng hơn nếu việc điều chỉnh chính sách diễn ra quá muộn.
Thị trường vẫn chia rẽ về việc Fed sẽ hạ lãi suất 25 hay 50 điểm cơ bản tại cuộc họp vào tháng 9. Các nhà đầu tư hiện đang hướng tới dữ liệu lạm phát quan trọng trong tuần này để làm rõ hơn về lộ trình lãi suất. Đồng đô la neo ổn định so với đồng euro và đồng bảng Anh và tăng giá so với đồng yên và đồng nhân dân tệ, nhưng lại giảm so với đồng đô la Úc và đồng kiwi.
Hồi phục hơn 1USD nhưng Dầu thô vẫn ở mức thấp nhất hơn 1 năm qua
Giá dầu tăng khoảng 1%, do lo ngại cơn bão dự kiến đổ bộ vào Louisiana sẽ làm gián đoạn hoạt động sản xuất và lọc dầu dọc bờ biển vịnh Mỹ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 09/09, hợp đồng dầu WTI tiến 1,04USD (tương đương 1,54%) lên 68,71 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent cộng 78 xu (tương đương 1,1%) lên 71,84 USD/thùng.
Tại Mỹ, các nhà sản xuất dầu khí dọc theo bờ biển Vịnh Mỹ đã bắt đầu sơ tán nhân viên và hạn chế hoạt động khoan dầu để chuẩn bị đối phó với cơn bão nhiệt đới Francine, khi cơn bão này di chuyển qua vịnh Mexico.
Giá vàng ổn định, cá mập đứng yên
Giá vàng ổn định vào ngày thứ Hai (09/09), khi nhà đầu tư chờ đợi báo cáo lạm phát của mỹ để có thêm thông tin về quy mô tiềm năng của đợt hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Kết thúc phiên giao dịch ngày 09/09, hợp đồng vàng giao ngay gần như đi ngang tại mức $2499,79/oz.
Hợp đồng vàng tương lai tiến 0,3% lên $2532,70/oz.
Quỹ tín thác hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust tiếp tục giữ nguyên lượng nắm giữ ở mức 862,74 tấn trong ngày 6/9 – không ghi nhận bất kì biến động nào từ đầu tháng 9.
Kết luận
Thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục tốt sau tuần giảm mạnh khi lực cầu bắt đáy xuất hiện. Trong ngắn hạn, nhà đầu tư tiếp tục đánh giá triển vọng lãi suất của Mỹ trong cuộc họp tuần sau dựa trên các số liệu kinh tế, chủ yếu liên quan tới việc làm và lạm phát. Về cơ bản, nhà đầu tư chỉ đặt cược Fed hạ lãi suất 25 điểm nhưng câu chuyện có thể sẽ thay đổi nếu dữ liệu lạm phát tuần này gây bất ngờ.
Giavang.net