(GVNET) Các tin quan trọng được công bố trong ngày 1/7
- Đức: CPI tháng 6 tăng 0,1% hàng tháng và tăng 2,2% hàng năm – thấp hơn dự báo là 0,2% và 2,3% tương ứng.
- Mỹ: Chỉ số quản lí thu mua PMI sản xuất tháng 6 ở mức 51,6 – thấp hơn dự báo là 51,7.
- Mỹ: Chi tiêu xây dựng tháng 5 giảm 0,1% hàng tháng – trái ngược dự báo tăng 0,3%.
- Mỹ: Chỉ số việc làm sản xuất của ISM tháng 6 đạt 49,3 – thấp hơn dự báo là 50.
- Mỹ: Chỉ số PMI sản xuất của ISM tháng 6 đạt 48,5 – thấp hơn dự báo là 49,2.
- Mỹ: Chỉ số giá sản xuất của ISM tháng 6 đạt 52,1 – thấp hơn nhiều dự báo là 55,8.
Cổ phiếu công nghệ tiếp tục dẫn sóng, phố Wall khởi động quý III tích cực
Thị trường chứng khoán Mỹ giao dịch khá ổn định trong sắc xanh ngay phiên đầu tháng 7, dòng tiền vẫn tập trung gom mua cổ phiếu công nghệ với chỉ số Nasdaq có mức kỉ lục mới mọi thời đại.
Cụ thể, đóng phiên giao dịch ngày thứ Hai ngày 1/7, chỉ số Nasdaq Composite tiến 0,83% lên 17.879,30 điểm, mức đóng cửa cao nhất của chỉ số này.
Chỉ số S&P 500 cộng 0,27% lên 5.475,09 điểm.
Chỉ số Dow Jones nhích 50,66 điểm (tương đương 0,13%) lên 39.169,52 điểm.
Điểm tên các cổ phiếu công nghệ lớn đều tháy đà tăng: Microsoft tiến 2,2%, Apple cộng 2,9%. Cổ phiếu của hãng sản xuất chip Nvidia cũng nhích 0,6%.
Cổ phiếu của các doanh nghiệp du lịch đang chịu áp lực khi cơn bão Beryl đổ bộ vào vùng biển Caribe, với cổ phiếu Carnival giảm 5,4% và Royal Caribbean mất gần 1,9%.
Trên S&P 500, 6 nhóm ngành giảm và 5 ngành tăng điểm. Vật liệu, Công nghiệp, Bất động sản mất giá trên dưới 1% gây áp lực lên chỉ số chung. Ở chiều ngược lại, đà tăng của cổ phiếu Công nghệ đã kéo đỡ, giúp chỉ số S&P 500 chốt phiên trong sắc xanh.
Tỷ giá
Chỉ số đồng đô la DXY thu hẹp đà giảm và chốt phiên thứ Hai quanh vùng 105,7 sau khi PMI Sản xuất ISM yếu hơn dự kiến và sản lượng nhà máy giảm tháng thứ ba liên tiếp. Các nhà giao dịch cũng đang chờ đợi một số chỉ số quan trọng khác sẽ ra mắt trong tuần này để đánh giá hiệu quả kinh tế và triển vọng chính sách tiền tệ, bao gồm báo cáo việc làm, JOLTS và PMI ISM cùng với biên bản FOMC.
Trong khi đó, các nhà đầu tư điều chỉnh đặt cược vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sau khi cuộc tranh luận tuần trước dường như đã làm tăng cơ hội chiến thắng cho ông Trump.
Dầu thô khởi động nửa cuối năm bằng đà tăng 2%
Giá dầu tăng khoảng 2% lên mức cao nhất 2 tháng do hy vọng nhu cầu tăng trong mùa lái xe mùa hè ở Bắc bán cầu và lo ngại xung đột ở Trung Đông có thể lan rộng làm giảm nguồn cung dầu toàn cầu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 01/07, hợp đồng dầu WTI tiến 1,84 USD (tương đương 2,26%) lên 83,38 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent cộng 1,60 USD (tương đương 1,88%) lên 86,60 USD/thùng.
Đó là phiên thứ 3 liên tiếp dầu Brent đạt mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 30/4 và là mức cao nhất của dầu WTI kể từ ngày 26/4.
Quỹ lớn trở lại bán, vàng thu hẹp đà tăng
Tuần này, thị trường sẽ tập trung vào nhận định của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào ngày 02/07, sau đó là biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của ngân hàng trung ương vào ngày 03/07 và báo cáo việc làm của Mỹ vào ngày 05/07.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 01/07, hợp đồng vàng giao ngay tiến 0,2% lên $2329,79/oz.
Hợp đồng vàng tương lai hầu như không thay đổi ở mức $2338,9/oz.
Sau khi giữ nguyên lượng vàng nắm giữ trong tuần cuối cùng của tháng 6, quỹ SPDR Gold Trust đã bán ra 1,44 tấn vàng trong ngày đầu tháng 7. Lượng vàng nắm giữ của quỹ giảm chỉ còn 827,61 tấn.
Kết luận
Các nhà đầu tư đang quay trở lại đặt cược Fed hạ lãi suất ngay trong tháng 9 tới và giảm lãi suất 0,5% trong năm 2024 sau loạt tin tức về nền kinh tế gồm: PCE như dự báo, CPI và PPI giảm và gần nhất là PMI cho thấy sự yếu đi của nền kinh tế Mỹ. Theo đó, dòng tiền vẫn ở trên thị trường, theo đuổi các tài sản rủi ro như cổ phiếu công nghệ hay đổ tiền vào mua các tài sản nhạy cảm với đà giảm của lãi suất như vàng – dầu.
Tuần này là tuần rất bận rộn với nhà đầu tư vì loạt tin kinh tế nhưng lại bị gián đoạn bởi lịch nghỉ lễ của Mỹ. Chính vì vậy, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư giữ tỷ trọng một phần tiền trong tài khoản, chờ đợi các biến động để có sẵn nguồn vốn giao dịch.
Giavang.net