Tóm tắt
- SJC tiếp tục “bất động” sau diễn biến đi ngang đầu giờ sáng.
- Giá vàng thế giới hiện lình xình dưới ngưỡng 1.940 USD/ounce.
- Vàng thế giới quy đổi lùi về sát mốc 56 triệu đồng, mất khoảng 300.000 đồng sau 24h.
- Chênh lệch giữa hai thị trường tăng 300.000 đồng – vượt mốc 11 triệu đồng.
Nội dung
Cập nhật lúc 13h20, ngày 3/8, SJC tại Hà Nội được công ty CP SJC Sài Gòn niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 66,60 – 67,22 triệu đồng/lượng, mua vào và bán ra đi ngang so với giá mở cửa.
SJC Hồ Chí Minh, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 66,60 – 67,20 triệu đồng/lượng, ngang giá chiều mua và bán so với mở cửa sáng nay.
BTMC, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 66,62 – 67,18 triệu đồng/lượng, giá mua và bán không thay đổi so với thời điểm mở cửa.
DOJI Hà Nội, niêm yết giao dịch mua – bán ở mốc 66,55 – 67,30 triệu đồng/lượng, đi ngang cả hai chiều mua – bán so với giá mở cửa cùng ngày.
Thị trường thế giới
Cùng thời điểm trên, giá vàng thế giới giao dịch tại ngưỡng 1.934 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá trên thị trường tự do (23.700 VND/USD) giá vàng đứng tại 56,04 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế, phí), thấp hơn SJC 11,2 triệu đồng. Cùng thời điểm hôm qua, giá vàng thế giới sau quy đổi giao dịch tại 56,33 triệu đồng/lượng, thấp hơn SJC 10,9 triệu đồng.
Không chỉ đi ngang so với giá mở cửa cùng ngày, giá vàng SJC so với cùng thời điểm hôm qua cũng không thay đổi. Trong khi đó vàng thế giới tính theo giá quy đổi sau 24h đã mất khoảng 300.000 đồng/lượng. Do vậy, chênh lệch giữa hai thị trường sẽ biến động theo nhịp điều chỉnh của giá vàng thế giới. Khi vàng thế giới giảm thì mức chênh giữa hai thị trường sẽ tăng và ngược lại.
Giá vàng thế giới giảm do USD hồi phục sau khi Nhà Trắng phản đối việc Fitch Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm của nước Mỹ. Chính phủ không đồng ý với việc tổ chức Fitch Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ và khẳng định nền kinh tế Mỹ đang phục hồi mạnh mẽ.
Đồng USD đã tăng 3 phiên liên tiếp lên trên mức cao nhất 3 tuần, làm vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác. Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2022, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nhiều hơn so với loại tài sản không sinh lãi là vàng.
Vàng còn giảm sau khi Mỹ công bố số liệu tích cực về thị trường lao động Mỹ, đặc biệt lĩnh vực kinh tế tư nhân.
Công ty Xử lý Dữ liệu Tự động (ADP) của Mỹ, ngày 2/8, cho biết hoạt động tuyển dụng ở khu vực tư nhân đã tăng thêm 324.000 việc làm mới trong tháng Bảy, cao hơn nhiều so với con số tăng 189.000 việc làm mà các nhà kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Reuters đã dự báo.
Điều này tạo ra kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa sớm hạ lãi suất. Theo công cụ theo dõi Fed CME, các chuyên gia kinh tế đánh giá khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại kỳ họp ngày 18/9 tới với tỉ lệ đồng ý là 83%.
Daniel Pavilonis, nhà chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures nhận định: “Môi trường lãi suất cao sẽ gây áp lực vô cùng lớn lên vàng. Mặt khác, sức mạnh của đồng USD cũng là kẻ thù đối với kim loại quý. Ít nhất trong ngắn hạn, vàng sẽ tiếp tục bị mắc kẹt trong phạm vi từ 1.900-2.000 USD/ounce”.
Thị trường hiện tập trung chú ý vào báo cáo việc làm tháng 7 của Mỹ công bố vào ngày 4/8. Dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tạo ra thêm 200.000 việc làm trong tháng 7, sau khi tăng 209.000 việc làm trong tháng 6.
Giavang.net