Giá dầu giảm hơn 5% trong phiên giao dịch 7/9 xuống dưới ngưỡng trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra khi nhà đầu tư gia tăng quan ngại về nguy cơ suy thoái toàn cầu.
Phố Wall ngắt mạch giảm, năng lượng là ngành duy nhất giảm
Thị trường chứng khoán Mỹ xanh từ đầu phiên và lực mua tốt lên theo từng giờ giao dịch. Các chỉ số chuẩn đóng phiên ở mức cao nhất ngày với chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng 435,98 điểm, tương đương 1,4%, lên 31.581,28 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,83% lên 3.979,87 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 2,14% lên 11.791,9 điểm, khép lại chuỗi giảm điểm lên tới 7 ngày, dài nhất kể từ năm 2016.
Bà Lael Brainard, Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), trong một bài phát biểu ngày 7/9 đã khẳng định ngân hàng trung ương Mỹ sẵn sàng ứng phó với lạm phát cho tới khi nào mặt bằng giá tiêu dùng được kiểm soát thì thôi.
10/11 nhóm ngành tăng điểm trong phiên thứ Tư.
Dầu thô rơi tự do, về thấp nhất từ tháng 1
Giá dầu Brent tương lai giảm 4,83 USD, tương đương 5,2%, xuống 88 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên giá dầu Brent rơi xuống dưới 90 USD/thùng kể từ ngày 8/2. Giá dầu WTI giảm 4,94%, tương đương 5,7%, xuống 81,94 USD/thùng, thấp nhất từ tháng 1.
“Hiện tại, quan ngại trên thị trường chủ yếu bắt nguồn từ triển vọng kinh tế thế giới ảm đạm, đặc biệt tại châu Âu, trước làn sóng tăng lãi suất toàn cầu”, theo Phil Flynn, Chuyên gia phân tích tại Price Futures Group.
Một số ngân hàng trung ương tiếp tục khẳng định quyết liệt tăng lãi suất nhằm đối phó với lạm phát, nhưng các chuyên gia phân tích nhận định Mỹ có nhiều lợi thế hơn trong cuộc chiến này.
Đồng USD liên tục tăng cao so với nhiều đồng tiền chủ chốt khác, trong đó có đồng yên Nhật và bảng Anh. Đồng bạc xanh tăng giá tạo áp lực đối với giá dầu khi mặt hàng này trở nên đắt đỏ hơn đối với khách hàng sử dụng đồng tiền khác.
Vàng nhích nhẹ nhưng còn nhiều rủi ro
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng vàng giao ngay tiến 0,9% lên $1716,59/oz. Hợp đồng vàng tương lai cộng 0,9% lên $1727,80/oz.
Chỉ số đồng USD (ICE U.S Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – chạm mức cao nhất trong 20 năm, làm vàng trở nên kém hấp dẫn hơn đối với những người mua nước ngoài. Tuy nhiên, đà giảm nhẹ từ mức đỉnh vào cuối phiên của đồng USD dường như mang lại một số hỗ trợ cho vàng.
Bên cạnh đó, lợi suất cũng giảm từ mức đỉnh tháng 6 khiến cho chi phí cơ hội nắm giữ vàng giảm xuống.
SPDR ngừng bán trong phiên thứ Tư hỗ trợ tâm lí nhà đầu tư.
Giavang.net tổng hợp