(GVNET) Các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục tăng cường dự trữ vàng trong quý đầu tiên của năm 2025, mặc dù tốc độ mua đã chậm lại so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu do Hội đồng Vàng Thế giới (World Gold Council – WGC) công bố, lượng vàng ròng được các ngân hàng trung ương mua vào trong quý I/2025 đạt 244 tấn – giảm 21% so với quý I/2024 (310 tấn), nhưng vẫn cao hơn 25% so với mức trung bình năm năm gần đây. WGC khẳng định hoạt động mua vàng vẫn “nằm trong phạm vi ổn định của ba năm qua”.

Tính cả năm 2024, tổng lượng vàng được các ngân hàng trung ương mua ròng đạt trên 1.000 tấn – năm thứ ba liên tiếp vượt ngưỡng này. Để so sánh, giai đoạn từ 2010 đến 2021, mức tăng trung bình chỉ đạt 473 tấn mỗi năm.
Đáng lưu ý, số liệu trên chỉ phản ánh các giao dịch được báo cáo chính thức lên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Theo WGC, lượng vàng được báo cáo trong quý I chỉ chiếm 22% tổng cầu thực tế, cho thấy việc mua vàng diễn ra âm thầm bởi nhiều tổ chức chính thức ngoài hệ thống ngân hàng trung ương, hoặc do việc báo cáo bị trì hoãn. Trong đó, Trung Quốc được cho là một trong những quốc gia mua vàng “ngoài sổ sách”.
Nước nào mua vàng nhiều nhất trong quý I năm 2025?
*️⃣ Ngân hàng Trung ương Ba Lan tiếp tục dẫn đầu với việc mua thêm 49 tấn vàng trong quý I, nâng tổng dự trữ vàng lên 497 tấn – chiếm 21% tổng dự trữ ngoại hối. Từ năm 2021, Thống đốc Adam Glapiński đã phát động chiến lược nâng tỷ trọng vàng lên 20% nhằm củng cố uy tín tài chính quốc gia. Với động thái mới nhất, Ba Lan đã vượt mục tiêu đề ra.
Glapiński nhấn mạnh:
Vàng không mang rủi ro tín dụng, không thể bị mất giá do chính sách kinh tế của bất kỳ quốc gia nào và sẽ giữ giá trị ngay cả khi hệ thống tài chính toàn cầu sụp đổ.
*️⃣ PBoC – Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tiếp tục gia tăng dự trữ với 13 tấn vàng trong quý I, nâng tổng mức chính thức lên 2.292 tấn (6,5% tổng dự trữ). Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc thực tế nắm giữ hơn 5.000 tấn vàng, phần lớn chưa được công bố.
*️⃣ Ngân hàng Trung ương Kazakhstan mua ròng 6 tấn sau khi bán 8 tấn vào tháng 2 và mua lại 11 tấn trong tháng 3, nâng tổng dự trữ lên 291 tấn. Phó Thống đốc Aliya Moldabekova tuyên bố Kazakhstan sẽ tạm ngừng bán vàng cho đến khi giá ổn định.
*️⃣ Ngân hàng Trung ương Cộng hòa Séc tiếp tục mở rộng dự trữ với 5 tấn vàng, nâng tổng dự trữ lên 56 tấn – gấp 4 lần so với cuối năm 2021.
*️⃣ RBI – Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ mua thêm 3 tấn trong quý I, nâng dự trữ lên 880 tấn, tương đương 12% tổng dự trữ quốc gia.
*️⃣ Các quốc gia và tổ chức khác cũng tham gia mua vàng gồm:
- Thổ Nhĩ Kỳ: 4 tấn
- Qatar: 3 tấn
- Ai Cập: 1 tấn
- Quỹ Dầu khí Nhà nước Azerbaijan (SOFAZ): 19 tấn
*️⃣ Ngược lại, các quốc gia bán vàng trong quý I gồm:
- Uzbekistan: bán ròng 11 tấn
- Nga: 3 tấn
- Cộng hòa Kyrgyz: 2 tấn
Bối cảnh thị trường chung
Năm 2024 đánh dấu năm thứ 15 liên tiếp các ngân hàng trung ương tăng dự trữ vàng, với tổng lượng mua ròng đạt 1.044,6 tấn – mức cao thứ ba trong lịch sử, chỉ sau năm 2022 (1.136 tấn) và 2023.
Hội đồng Vàng Thế giới dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2025, khi các rủi ro địa chính trị, bất ổn thương mại và nhu cầu đa dạng hóa khỏi tài sản định giá bằng USD – như vàng – vẫn ở mức cao. WGC khẳng định:
Việc giảm phụ thuộc vào tài sản Mỹ là động lực chính thúc đẩy các ngân hàng trung ương mua vàng. Quá trình phi đô-la hóa vẫn đang diễn ra mạnh mẽ.

Chu Phương – Chuyên gia Giavang Net
Chu Phương – Thạc sĩ Kinh tế Quốc tế với hơn 12 năm theo dõi thị trường Vàng, Ngoại hối. Với vai trò là chuyên gia phân tích thị trường tại Giavang.net; Chu Phương chia sẻ các thông tin kinh tế, chính trị có tầm ảnh hưởng tới thị trường, phân tích – dự báo triển vọng thị trường cả theo góc độ cơ bản và kĩ thuật
- 📫 Facebook: Phuong Chu – Giavang Net
- 📫 Email: admin@giavang.net
- 📫 Zalo:https://zalo.me/g/hbkfmi008