(GVNET) Các tin quan trọng được công bố trong ngày 2/8
- Mỹ: Thu nhập trung bình theo giờ tháng 7 tăng 0,2% hàng tháng và tăng 3,6% hàng năm – tệ hơn dự báo là 0,3% và 3,7%.
- Mỹ: Bảng lương phi nông nghiệp tháng 7 đạt 114 nghìn – thấp hơn dự báo là 176 nghìn. Số liệu tháng 6 điều chỉnh giảm còn 179 nghìn.
- Mỹ: Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,3% từ mức 4,1% của tháng 6.
- Mỹ: Đơn hàng nhà máy tháng 6 giảm 3,3%; tệ hơn dự báo giảm 2,7% và mức giảm 0,5% của tháng 5.
Chứng khoán Mỹ rơi tự do, Nasdaq đã mất 10% sau tin việc làm
Thị trường chứng khoán Mỹ ngập trong sắc đỏ phiên cuối tuần khi nhà đầu tư quan ngại tình hình việc làm tháng 7,
Đóng cửa phiên giao dịch thứ Sáu ngày 2/8, chỉ số S&P 500 lùi 1,84% xuống 5.346,56 điểm.
Chỉ số Nasdaq Composite mất 2,43% còn 16.776,16 điểm, khiến chỉ số này giảm từ mức cao mọi thời đợi gần đây tới hơn 10%.
Chỉ số Dow Jones rớt 610,71 điểm (tương đương 1,51%) xuống 39.737,26 điểm. Tại mức đáy trong phiên, chỉ số này đã bốc hơi 989 điểm.
Loạt cổ phiếu vốn hóa lớn rơi thảm khốc. Cổ phiếu Amazon đã trượt dốc 8,8%; Intel cắm đầu 26% sau khi hãng bán dãn này công bố triển vọng yếu kém và sa thải hàng chục nghìn nhân viên. Nvidia cũng mất 1,8%, kéo dài đà giảm 6% ghi nhận trong phiên trước đó.
Có tới 8/11 nhóm ngành S&P 500 giảm, Tiêu dùng không thiết yếu mất gần 5% và 6 nhóm ngành khác mất trên dưới 2% giá trị.
Tỷ giá
Chỉ số đồng đô la DXY thủng mốc 103,7 vào thứ Sáu, mức thấp nhất trong hơn 4 tháng sau khi báo cáo việc làm yếu kém làm tăng thêm kỳ vọng ôn hòa cho Cục Dự trữ Liên bang.
Nền kinh tế Hoa Kỳ đã tăng thêm 114.000 việc làm ròng vào tháng 7, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường là tăng 175.000, trong khi tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ tăng vọt lên mức cao nhất năm 2021 là 4,3% và tăng trưởng tiền lương chậm hơn dự kiến.
Điều này đã thúc đẩy thị trường định giá 100 điểm cơ bản trong các đợt cắt giảm lãi suất của Fed trong năm nay, tổng cộng là một lần cắt giảm 50 điểm cơ bản và hai lần cắt giảm 25 điểm cơ bản trong ba quyết định còn lại của năm.
DXY cũng chịu áp lực bởi đợt tăng lãi suất bất ngờ của Ngân hàng Nhật Bản trong tuần này, khiến đồng yên tăng 5% kể từ thứ Sáu tuần trước.
Dầu thô về mức đáy năm 2024
Giá dầu giảm trong phiên thứ Sáu xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2024 sau khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ trong tháng 7 đã tạo thêm ít việc làm hơn dự kiến. Dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc càng gây thêm áp lực giảm cho thị trường dầu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 02/08, hợp đồng dầu WTI giảm 2,79USD (tương đương 3,66%) xuống 76,81 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent mất 2,71 USD (tương đương 3,41%) còn 76,81 USD/thùng.
Dầu WTI đã giảm 4,7% trong tuần này, còn dầu Brent sụt 5,3% bất chấp căng thẳng leo thang ở Trung Đông.
Vàng từng lên sát đỉnh kỉ lục nhưng rơi mạnh sau khi bị bán lan
Báo cáo thị trường lao động Mỹ tháng 7 ban đầu đã kích hoạt giá vàng tăng mạnh, lên vùng $247x nhưng sau đó áp lực bán tháo trên thị trường chứng khoán toàn cầu đã cho khiến nhà đầu tư chốt lời kim loại quý. Biên độ giữa mức đỉnh và đáy trong phiên là tới 50USD.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/8, giá vàng giao ngay giảm 0,5% xuống $2432,19/oz.
Hợp đồng vàng kì hạn tháng 12 giảm 0,4% xuống còn $2476,8/oz.
Tuy vậy, theo tuần, giá vàng đã tăng 1,8% trong tuần do nhu cầu mua tài sản trú ẩn an toàn mạnh mẽ khi căng thẳng ở gia tăng Trung Đông và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất
Quỹ tín thác hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust giữ nguyên lượng vàng nắm giữ ở mức 845,47 tấn trong ngày cuối tuần.
Kết luận
Thị trường tài chính toàn cầu rơi vào trạng thái bán hoảng loạn sau tin tức không mấy lạc quan về tình hình việc làm tháng 7. Nhà đầu tư chuyển hướng sự chú ý tới các tài sản trú ẩn an toàn truyền thống như vàng và đồng Yên. Trong ngắn hạn, rủi ro điều chỉnh trên phố Wall cũng như các tài sản khác vẫn còn nên nhà đầu tư cần chú ý quản trị vốn cũng như cân nhắc các vị thế của mình.
Giavang.net